* Là chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế tài chính, ông đánh giá thế nào về diễn biến của CPI năm 2014?
- Có thể nói, năm 2014 là năm khá đặc biệt đối với diễn biến của chỉ số CPI ở Việt Nam. Với mức tăng 1,84% của tháng 12 năm 2014 so với tháng 12 năm 2013, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2003 (mức tăng là 3,0%) trở lại đây.
|
|
 |
Lạm phát và tăng trưởng kinh tế chỉ thay đổi mạnh khi nào nợ xấu và những rủi ro trong nền kinh tế được xử lý và kiểm soát một cách triệt để...
|
 |
|
TS. Nguyễn Ngọc Tuyến
|
|
|
Đặc biệt, nếu lấy giai đoạn so sánh từ năm 2008, năm xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới cho tới nay (2014) thì CPI có mức giảm rất lớn. Các năm từ 2008 – 2014, có ba năm CPI ở mức cao trên 10%, là: năm 2008: 19,89%; 2010: 11,75%; 2011: 18,13%, còn lại các năm khác đều có mức tăng trong khoảng từ 6,04 - 6,88%.
Mức tăng CPI thấp đến cuối năm là thông tin khá bất ngờ đối với các dự báo từ đầu năm của nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế. Trong số đó, hầu như các dự báo đầu năm đều cho rằng CPI năm 2014 sẽ ở mức khoảng 6 - 7%, gần với con số Chính phủ dự kiến là 7%.
CPI bình quân tháng cũng tăng thấp nhất kể từ năm 2008. Năm 2008, CPI bình quân tháng tăng 1,62%, năm 2011 tăng 1,4%, năm 2012: 0,55%; 2013: 0,49% và 2014 chỉ là 0,16%. Như vậy năm 2014, mức tăng CPI bình quân tháng chỉ bằng 1/10 năm 2008, bằng 1/3 so năm 2013…
* Ông có thể chỉ ra một số nguyên nhân tác động tới CPI năm 2014?
- CPI là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp chịu sự tác động của rất nhiều các yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, từ diễn biến thực tế của nền kinh tế, có thể giải thích các nguyên nhân tác động tới CPI: Cầu tiêu dùng vẫn yếu và chưa được cải thiện nhiều; Giá xăng dầu giảm mạnh những tháng cuối năm; Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp; Chính sách thắt chặt tài khóa của Chính phủ…
* Cầu tiêu dùng vẫn yếu và chưa được cải thiện nhiều cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Những năm trước khủng hoảng (2006 – 2007) tốc độ tăng trưởng tiêu dùng hàng năm (CP) là trên 14%, trong khi đó tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cũng đạt mức 6,98% và 7,13%.
Từ 2010 tới nay, mặc dù tốc độ tăng trưởng tiêu dùng có cải thiện và tăng lên về số tương đối, song năm 2013 và 10 tháng năm 2014 tăng trưởng tiêu dùng vẫn chỉ đạt mức 7,53% và 6,5%, trong khi đó tăng trưởng kinh tế 2013 là 4,42% và 2014 dự kiến là 5,9%.
Như vậy, so với những năm trước khủng hoảng tài chính thế giới (2008), thì cầu tiêu dùng những năm gần đây vẫn thấp hơn nhiều (mức độ tăng mới chỉ bằng khoảng 50%). Có thể khẳng định là cầu tiêu dùng yếu là nguyên nhân đầu tiên tác động làm cho chỉ số CPI năm 2014 đạt mức thấp.
* Vậy ông có dự báo gì về CPI năm 2015 và những năm tiếp theo?
- Kinh tế thế giới đang phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, giá dầu giảm được dự báo là sẽ còn kéo dài trong một vài năm tới. Giá dầu thô và xăng dầu giảm sẽ làm cho giá đầu vào của các ngành sản xuất ở Việt Nam giảm và là điều kiện để giảm giá bán.
Chính sách tiền tệ không có nhiều đột biến so với năm 2014. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng không có những dấu hiệu tăng trưởng mạnh. Lý do, nợ xấu trong các doanh nghiệp vẫn chưa được xử lý cho nên các điều kiện để vay vốn chưa đảm bảo đủ an toàn để các ngân hàng thương mại có thể mở rộng cho vay. Còn đối với tín dụng tiêu dùng thì cũng khó có thể tăng mạnh do một bộ phận khá lớn tiền trong dân cư hiện nay vẫn nằm trong các dự án bất động sản chưa thể xử lý được.
Ngoài ra, do trong giai đoạn vừa qua, lạm phát một số năm tăng rất cao và bất thường nên hành vi tiêu dùng của người dân cũng thay đổi theo hướng thận trọng trong tiêu dùng, tăng tiết kiệm. Những nguyên nhân này cũng tác động làm cho CPI khó tăng cao…
Với những lý do trên đây, có thể dự báo là CPI năm 2015 sẽ tiếp tục ở mức thấp, có thể dao động trong khoảng 2 – 3%. Mức lạm phát này sẽ kéo dài trong một số năm, và cũng nhiều khả năng sẽ là suốt giai đoạn 2016 – 2020. Lạm phát và tăng trưởng kinh tế chỉ thay đổi mạnh khi nào số nợ xấu, cũng như những rủi ro trong nền kinh tế được xử lý và kiểm soát một cách triệt để.
* Có ý kiến cho rằng, lạm phát thấp vừa là cơ hội, song cũng tạo ra nhiều thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Ông nghĩ sao về nhận định trên?
- Tôi đồng tình với quan điểm trên. Về cơ hội, lạm phát thấp sẽ tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Do vậy, giai đoạn tới là giai đoạn phải chuẩn bị tốt các điều kiện để đón nhận và để nền kinh tế có thể hấp thụ được lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng. Vốn nước ngoài trong những năm tới sẽ là nguồn chủ lực để thực hiện tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Ngoài ra, lạm phát thấp, thị trường tiền tệ ổn định, tỷ giá ít biến động, áp lực trả nợ nước ngoài không tăng thêm do yếu tố tỷ giá, nợ công vì vậy sẽ có thể được giữ trong giới hạn an toàn, Chính phủ có thể chủ động trong công tác huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Đặc biệt, giá cả thấp sẽ khuyến khích tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng tư nhân từ đó làm tăng nhu cầu, yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn; tạo điều kiện để ổn định xã hội, tăng cường đảm bảo xã hội tạo môi trường cho phát triển bền vững.
Bên cạnh những cơ hội, lạm phát thấp cũng tạo ra nhiều thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Lạm phát thấp, thu ngân sách nhà nước sẽ khó khăn, Chính phủ sẽ tiếp tục thiếu tiền cho đầu tư, trả nợ và thực hiện các nhiệm vụ cải cách và phát triển kinh tế - xã hội; không khuyến khích đối với đầu tư nhìn từ phương diện hoàn vốn và thu lãi cao, thất nghiệp sẽ tăng lên, tăng trưởng kinh tế vì vậy khó đạt được mức độ cao, mức độ tụt hậu so với các nước vì vậy ngày càng xa…
Đó là những tác động hai mặt của lạm phát thấp có thể xảy ra trong giai đoạn tới ở Việt Nam. Việc nhận diện những tác động này là rất quan trọng và sẽ rất cần thiết cho việc lựa chọn chính sách phát triển phù hợp cho Việt Nam những năm tới.
* Xin cảm ơn ông!