Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu, tăng trưởng ở các nước đang phát triển sẽ tăng nhẹ, một phần là do giá dầu giảm, nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn, lãi suất toàn cầu tiếp tục ở mức thấp, và ít rào cản tăng trưởng hơn ở một số thị trường lớn thuộc khu vực mới nổi.
Sau khi tăng trưởng ước đạt 2,6% năm 2014, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự đạt 3% năm nay, 3,3% trong năm 2016 và 3,2% trong năm 2017. Năm 2014, các nước đang phát triển tăng trưởng trung bình 4,4%, dự báo sẽ tăng 4,8% năm 2015, tăng trưởng mạnh lên 5,3% và 5,4% cho các năm 2016 và 2017.
Nghiên cứu của WB cho thấy, ẩn sau sự phục hồi kinh tế mong manh này là các xu hướng trái chiều ngày càng mạnh, ảnh hưởng sâu sắc đến tăng trưởng toàn cầu.
"Đáng lo ngại là sự khôi phục kinh tế bị chững lại ở một số nền kinh tế thu nhập cao và thậm chí ở một số nước thu nhập thấp có lẽ là triệu chứng của tình trạng bất ổn cơ cấu sâu sắc hơn"- ông Kaushik Basu, chuyên gia Kinh tế trưởng và Phó chủ tịch cao cấp của WB nhận định.
Theo ông Kaushik Basu, giá dầu thấp hơn và theo dự tính tiếp tục giảm năm 2015, sẽ góp phần giảm lạm phát trên toàn thế giới và có lẽ sẽ kìm hãm hiện tượng tăng lãi suất đột biến ở các nước giàu. Điều này sẽ mở ra thời điểm cơ hội cho các nước nhập khẩu dầu.
Điều quan trọng là các nước phải sử dụng thời điểm này để mở cửa cho các cải cách tài chính và cơ cấu, nhằm giúp đẩy mạnh tăng trưởng lâu dài và phát triển hòa nhập.
Giá cả hàng hóa được dự đoán tăng không đáng kể trong năm 2015. Theo báo cáo, giá dầu giảm mạnh bất thường trong 6 tháng cuối năm 2014 có thể đã làm giảm đáng kể áp lực lạm phát và góp phần cải thiện cán cân tài khoản và tài chính hiện tại ở các nước đang phát triển xuất khẩu dầu.
Theo WB, khu vực Đông Á- Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới năm 2014 với tỉ lệ tăng trưởng 6,9%, chỉ kém 0,3 điểm phần trăm so với 2013. Tại các nước khác trong khu vực chính sách thắt chặt và bất ổn chính trị tiếp tục ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng và đầu tư. Nhiều quốc gia đã tăng lãi suất chính sách nhằm hạn chế kỳ vọng lạm phát dự tính xảy ra sau khi cắt giảm trợ giá nhiên liệu trong năm 2014.
Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam là các trường hợp ngoại lệ, đã giảm lãi suất nhằm hỗ trợ sản xuất trong bối cảnh lạm phát giảm đe dọa gây ra giảm phát. Cân đối tài khoá một số nước suy giảm do tăng trưởng bị chậm lại. Tuy tăng trưởng đầu tư có giảm hơn so với mức sau khủng hoảng nhưng tăng cầu lao động, tăng lượng kiều hối và thị trường vốn hoạt động mạnh đã làm tăng lượng tiêu dùng. Luồng vốn tăng mạnh trở lại sau khi suy giảm trong quý 1, chủ yếu chảy vào mua cổ phần và trái phiếu, nhưng sau đó trong tháng 12 lại bị áp lực do giá dầu giảm và mức độ bất ổn toàn cầu tăng.
Dự đoán tăng trưởng khu vực sẽ giảm xuống còn 6,7% năm 2015 và duy trì tại mức đó trong kỳ trung hạn.
Theo dự báo, năm 2015, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ ở mức 5,6%, đạt 5,8% vào năm 2016 và 6% vào năm 2017.
Các chuyên gia của WB cảnh báo, điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt đột ngột có thể làm giảm mạnh hoặc đảo ngược dòng vốn và gây sức ép đáng kể lên một số nước. Điều kiện tài chính bên ngoài bị thắt chặt sẽ dẫn đến tăng lãi suất trong nước.
Như vậy lượng thanh toán nợ sẽ tăng và tác động lên bảng cân đối của ngân hàng, doanh nghiệp, và các hộ gia đình. Nếu nợ xấu tăng lên sẽ làm yếu hệ thống ngân hàng và buộc người ta đặt câu hỏi về sự ổn định tài chính. Những nước có truyền thống có tỉ lệ trả nợ khu vực tư nhân cao do nợ tích tụ nhanh kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, sẽ chịu nhiều rủi ro hơn.
Ông Jim Yong Kim- Chủ tịch WB nhận định, trong môi trường kinh tế đầy biến động này, các nước đang phát triển cần sử dụng nguồn lực một cách khôn ngoan để hỗ trợ cho các chương trình xã hội với trọng tâm là người nghèo, đồng thời tiến hành cải cách cơ cấu đầu tư vào con người.
"Điều tối quan trọng là các nước cần phá bỏ mọi rào cản không cần thiết cho đầu tư vào khối tư nhân. Cho đến nay, khối tư nhân vẫn là nguồn tạo việc làm lớn nhất và có thể giúp đưa hàng trăm triệu người thoát nghèo"./.