Đây là kết quả khảo sát từ hơn 1.300 CEO trong Khảo sát CEO Thường niên Toàn cầu lần thứ 18 của hãng PwC, vừa được công bố tại lễ khai mạc Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Toàn cầu ở Davos, Thụy Sỹ.
CEO kém lạc quan về kinh tế toàn cầu
Theo kết quả cụ thể, chỉ 37% số CEO được hỏi cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong năm 2015 ( so với mức 44% của năm ngoái); 17% tin rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm, tăng hơn gấp đôi so với năm 2014 (7%).
Tính theo khu vực, kết quả cho thấy những khác biệt lớn. Các CEO ở Châu Á Thái Bình Dương là những người lạc quan nhất với 45% dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ khởi sắc, trong đó riêng khối ASEAN tỉ lệ này lên tới 49%. Tiếp đó là khu vực Trung Đông (44%) và Bắc Mỹ (37%).
Trong khi đó, chỉ 16% CEO ở Trung và Đông Âu cho rằng nền kinh tế sẽ cải thiện. Các CEO ở các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ (59%), Trung Quốc (46%) và Mê-hi-cô (42%) lạc quan hơn so với các CEO ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ (29%) và Đức (33%).
Việt Nam là thị trường có cơ hội tăng trưởng cao
Tuy nhiên, 39% CEO vẫn “rất tin tưởng” vào triển vọng tăng trưởng doanh thu của công ty mình, tương tự tỷ lệ năm 2014. Các CEO ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là những người tự tin nhất về tăng trưởng doanh thu, với tỉ lệ 45%. CEO khu vực Trung Đông vẫn thuộc nhóm lạc quan với 44% rất tin tưởng vào tăng trưởng doanh thu, mặc dù giảm đáng kể so với mức 69% của năm ngoái. Trong khi đó, các CEO ở Tây Âu, Trung và Đông Âu ít lạc quan nhất về triển vọng tăng trưởng của công ty họ với tỉ lệ lần lượt là 31% và 30%.
So sánh giữa các quốc gia, các CEO ở Ấn Độ dẫn đầu với 62% rất tin tưởng về triển vọng tăng trưởng ngắn hạn. Nằm cuối danh sách là Nga, chỉ với 16% CEO rất tin tưởng vào tăng trưởng doanh thu năm 2015. Con số này giảm từ 53% so với năm ngoái khi mà các CEO ở Nga từng là nhóm có sự tin tưởng nhất trên thế giới.
Về chiến lược tăng trưởng, các CEO cho rằng Mỹ sẽ là thị trường quan trọng nhất trong 12 tháng tới. Đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua Mỹ vượt qua Trung Quốc ở lĩnh vực này. 38% CEO cho biết Mỹ là một trong 3 thị trường nước ngoài có tiềm năng tăng trưởng của họ, so với 34% chọn Trung Quốc. Ngoài nhóm BRICS, trong số các thị trường mới nổi tiếp tục có cơ hội tăng trưởng theo đánh giá của các CEO, Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu.
CEO lo lắng nhất điều gì?
Lo lắng của CEO tăng ở tất cả các khía cạnh so với năm ngoái trừ mối quan tâm về chi phí năng lượng có giảm nhẹ xuống 59%.
Việc siết chặt thể chế chính sách quá mức một lần nữa trở thành vấn đề đứng đầu danh sách các quan ngại của 78% CEO toàn cầu, tăng 6 điểm so với năm ngoái. Các nước có mối quan tâm về việc các chính sách thắt chặt quá mức bao gồm Argentina (98%), Venezuela (96%), Mỹ (90%), Đức (90%), Anh (87%), và Trung Quốc (85%).
Các mối quan tâm khác được các CEO đưa ra bao gồm: sự thiếu hụt các nguồn lực có kỹ năng (73%), thâm hụt ngân sách và gánh nặng nợ công (72%), bất ổn chính trị ở các khu vực (72%), tăng thuế (70%), đe dọa không gian mạng và thiếu an toàn dữ liệu (61%)…
Một phần ba các CEO chia sẻ công ty họ đang đầu tư vào một hoặc nhiều lĩnh vực mới trong ba năm qua, và hơn một nửa (56%) tin rằng ngày càng nhiều các DN sẽ mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực mới trong ba năm tới. Các CEO cho rằng sự cạnh tranh lớn nhất đang và sẽ hình thành từ các lĩnh vực công nghệ (32%), phân phối (bán lẻ, bán buôn) (19%), và thông tin liên lạc, giải trí và truyền thông (6%).
Đối với chính phủ, 67% CEO tham gia khảo sát cho rằng, chính phủ cần quan tâm hàng đầu cho việc duy trì một hệ thống thuế cạnh tranh và hiệu quả. Nhưng chỉ có 20% CEO nói quốc gia của họ thành công trong việc xây dựng một hệ thống như vậy. Tương tự, 60% CEO đánh giá cao khả năng tiếp cận lực lượng lao động có tay nghề, nhưng chỉ 21% trong đó cho rằng quốc gia họ có đủ nhân công có tay nghề. Các ưu tiên khác của chính phủ, theo các CEO, bao gồm cơ sở hạ tầng (49%), nguồn vốn giá phải chăng (29%), và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số (28%). /.