Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có văn bản trả lời cử tri các tỉnh An Giang, Tiền Giang và Trà Vinh về kiến nghị giá vật tư nông nghiệp, giá lúa lên xuống thất thường nhưng kết quả hiện tại chưa khả quan. Cử tri đề nghị quan tâm kiểm soát giá vật tư nông nghiệp và bình ổn giá lương thực nhằm đảm bảo cho nông dân có lãi.
Tại văn bản trả lời, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành về mua tạm trữ thóc gạo vụ đông xuân 2013 – 2014, Chương trình thu mua tạm trữ thóc, gạo vụ đông xuân 2013-2014 đã tác động tích cực đối với thị trường, giá lúa gạo trong thời gian mua tạm trữ tăng khoảng 100-200 đồng/kg, đảm bảo mức lợi nhuận cho người nông dân trên 30%.
Trước đó, theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong thời gian mua tạm trữ thóc gạo vụ Đông Xuân 2013-2014 từ 15/3/2014 đến ngày 30/4/2014, các thương nhân đã mua được 995.994 tấn quy gạo, đạt 99,55% kế hoạch.
Đáng chú ý, mặc dù giá gạo trên thế giới liên tục giảm và đứng ờ mức thấp trong các tháng đầu năm 2014 nhưng Vụ Đông xuân 2013-2014 theo báo cáo kết quả điều tra thực tế của một số UBND tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, người sản xuất lúa đạt mức lợi nhuận so với giá thành khá cao.
Cụ thể, Kiên Giang lãi bình quân khoảng 87,6%, Vĩnh Long lãi bình quân khoảng 45,9%, An Giang lãi khoảng 46,54 - 61,19%; Bến Tre lãi bình quân khoảng 46,06%; Đồng Tháp lãi bình quân khoảng 82,9%.
"Tuy nhiên, do đặc điểm của sản xuất nông nghiệp nên giá thành của từng địa phương có sự chênh lệch rất lớn và nhu cầu xuất khẩu của thị trường thế giới tác động đến giá mua trong nước do vậy rất khó “cào bằng” để có mức lợi nhuận chung giữa các địa phương và các thời điểm thu mua", Bộ trưởng cho biết.
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá nói chung, giá vật tư nông nghiệp và giá lúa gạo nói riêng, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan điều hành quyết liệt.
Cụ thể, Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thị trường trong và ngoài nước; định kỳ 15 ngày, tháng, quý có báo cáo về tình hình giá cả thị trường, dự báo và kiến nghị các biện pháp bình ổn giá đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản đề nghị các bộ, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra đột biến về giá.
Đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; không bù chéo; tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác có ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng của người dân.
Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giá, thuế để ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lúa, gạo và vật tư nông nghiệp…/.