Công khai tên doanh nghiệp chưa giảm cước
Tại văn bản này Bộ Tài chính cho biết, giá xăng, dầu thời gian qua liên tục giảm sâu, đến nay, giá xăng, dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm sâu thêm 2 đợt vào ngày 6/1/2015 và 21/1/2015. Tuy nhiên qua kiểm tra, nắm tình hình tại một số địa phương cho thấy vẫn còn đơn vị vận tải chưa thực hiện kê khai giảm giá cước.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan yêu cầu các DN vận tải tính toán lại giá thành, kê khai với cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị này không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu, ngành GTVT phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vi phạm theo quy định và tạm thời chưa xem xét giải quyết các kiến nghị của đơn vị.
Trong một báo cáo cuối tuần trước Bộ Tài chính cho biết, hiện đã có 38/63 địa phương gửi báo cáo kê khai giảm giá cước, với mức giảm phổ biến từ 3 – 10%. Cụ thể, giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm trung bình từ 0,92%-26,32%, mức giảm phổ biến từ 3-10%. Giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm trung bình từ 3-21,7%, mức giảm phổ biến từ 5-10%.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT, Sở Tài chính và cơ quan Thuế chú trọng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá cước vận tải ô tô trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Đối với đơn vị không thực hiện kê khai giá theo quy định, xử phạt theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với hành vi không kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đối với các đơn vị đã kê khai giảm giá cước, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị này tiếp tục tính toán lại giá thành vận tải theo xu hướng giảm giá nhiên liệu để kê khai lại theo đúng quy định. Trường hợp các đơn vị cố tình kê khai giảm giá chưa phù hợp, tùy theo tình hình, có thể tiến hành kiểm tra yếu tố hình thành giá của các đơn vị và xử lý theo quy định của Luật giá và các văn bản hướng dẫn.
Nhiều đơn vị vẫn cố tình chây ỳ
Đáng chú ý từ cuối tháng 7/2014 đến nay khi giá xăng dầu giảm sâu, Bộ Tài chính đã liên tục có văn bản yêu cầu các ngành, địa phương giám sát việc giảm giá cước vận tải của DN. Trong bản tổng hợp báo cáo giá cước vận tải của các địa phương gửi Bộ Tài chính công bố cuối tuần trước cho thấy, rất nhiều tỉnh, thành thực hiện giảm giá cước vận tải chưa nghiêm túc.
Cụ thể, tại Bắc Ninh taxi giảm giá 3 - 10%, nhưng các tuyến vận tải cố định và xe buýt vẫn giữ nguyên mức giá thực hiện như năm 2013. Sơn La có 22 hồ sơ kê khai giá nhưng lại không có kết quả cụ thể. Ninh Thuận có công văn đề nghị DN giảm giá nhưng cũng chưa có kết quả giảm. Ninh Bình chỉ có 1 DN kinh doanh vận tải khách bằng taxi giảm giá cước.
Ngay như Hà Nội mới có 64/100 DN taxi giảm cước với tỷ lệ 2 – 9%; 11/60 DN kinh doanh vận tải hành khách cố định giảm cước tỷ lệ 5,8 – 10,6%; 2/20 DN kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe container giảm cước 3,4 – 3,9%.
Tại Đà Nẵng, hiện còn 20 DN kinh doanh vận tải hàng hóa chưa giảm cước, Hải Phòng còn 22/36 DN vận tải hành khách tuyến cố định; 4/5 DN vận tải hành khách bằng xe buýt; 13/25 DN vận tải hành khách bằng xe taxi chưa thực hiện kê khai giảm cước…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT, Sở GTVT, Sở Tài chính và UBND cấp huyện thực hiện và chịu trách nhiệm về quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô theo phân công của UBND cấp tỉnh.
Vì vậy, Bộ Tài chính thực hiện đúng với phân cấp quản lý theo quy định hiện hành, có ban hành văn bản đề nghị Bộ GTVT và UBND tỉnh chỉ đạo các Sở GTVT yêu cầu các đơn vị thực hiện giảm cước, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm theo quy định.
Tuy nhiên thời gian vừa qua Bộ Tài chính cũng đã phối hợp cùng Bộ GTVT tổ chức các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra công tác quản lý và thực hiện giá cước vận tải tại một số địa phương vào tháng 11/2014 và đầu tháng 1/2015.
Hiện tại Bộ Tài chính cũng đang tổ chức ba đoàn công tác kiểm tra và nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá tại địa phương vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 tại ba miền Bắc – Trung - Nam, trong đó có tình hình triển khai quản lý giá cước vận tải hành khách bằng ôtô.
“Chúng tôi làm chính sách vĩ mô ở bên trên, cũng có phối hợp để kiểm tra giám sát việc giảm giá cước, nhưng cả 63 tỉnh, thành thì làm không xuể. Các địa phương phải có trách nhiệm chính trong việc quản lý DN tại địa phương mình”, ông Tuấn nói./.