Thu lãi 100 triệu/ha
Với giá bán 1 kg nhân hạt mắc ca (tên khoa học là Macadamia) thành phẩm sản xuất trong nước lên tới 700 nghìn đồng/kg, tương đương hơn 33 USD/kg, mắc ca đang trở thành “hiện tượng” của năm khi được giới truyền thông ca tụng bằng những tên mĩ miều “cây tỉ đô”, “hoàng hậu các loại quả khô”...
Thông tin từ Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây, tại Việt Nam, từ năm 1994, cây mắc ca đã được đưa vào trồng thử nghiệm ở Ba Vì, Đắc Lắc, Sơn La, Phú Thọ. Qua thực tế nghiên cứu cho thấy, cây mắc ca có thể ghép sau khi trồng 3-4 năm đã bói quả, đặc biệt, năm thứ 7 khi cây đã định hình, mỗi ha có thể cho tới 10 tấn quả, tương đương 3-4 tấn hạt.
Quả mắc ca chín vào tháng 9 tới giữa tháng 10; ba tháng trước đó là giai đoạn tích lũy dầu cho hạt, đây là giai đoạn quan trọng nhất, đòi hỏi khí hậu ẩm, nóng nhưng không quá 38 độ C. Do đó, vùng có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp để trồng mắc ca là Tây Nguyên và Tây Bắc.
Theo các nhà chuyên môn, cây mắc ca mang lại kinh tế cao và có thể trồng xen canh với các cây trồng khác như cây cà phê, tiêu, điều, chuối tiêu. Tính toán bước đầu qua diện tích trồng thử nghiệm tại Tây Nguyên cho thấy, với sản lượng trung bình 4 tấn/ha, mỗi năm trừ chi phí thì mỗi ha có thể thu lãi 100 triệu đồng.
Như vậy, việc đưa loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao này vào cơ cấu cây trồng đang có nhiều triển vọng. Song vấn đề đặt ra là liệu người dân có "mặn mà" với loại cây trồng mới này không khi thị trường tiêu thụ trong nước, người tiêu dùng vẫn chưa biết nhiều đến sản phẩm này.
Cần thận trọng!
Theo các nhà chuyên môn, hiệu quả kinh tế là vậy nhưng tất cả cũng mới chỉ dừng ở nghiên cứu, khảo nghiệm ở một số nơi nhỏ lẻ. Vì vậy, nếu muốn nhân rộng loại cây này, nhiều ý kiến cho rằng, cần thận trọng ở nhiều góc độ, tránh tình trạng “bánh vẽ” cho người nông dân.
Theo một chuyên gia nông nghiệp, thu hoạch loại quả này cũng là một trong những khó khăn không nhỏ. Có thể thu hoạch quả chín đều và rụng trên mặt đất bằng máy hoặc bằng tay song khó khăn là phải thu nhặt hạt hàng ngày để giảm tổn thất do chuột, sóc, côn trùng; phải làm sạch cây bụi cỏ dại để không bị bỏ sót hạt rụng...
Ngoài ra, hiện nay, đa phần người dân chưa biết nhiều về cây mắc ca, chưa có quy hoạch phát triển chính thức cho vùng Tây Nguyên và Tây Bắc. Bên cạnh đó, thị trường đầu ra cũng là một vấn đề nan giải. Theo ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Him Lam, mấy năm qua, hạt mắc ca rất được ưa chuộng tại Việt Nam, nhưng chủ yếu lại nhắm vào nhóm tiêu dùng là người nước ngoài, Việt kiều về nước và những người có thu nhập cao.
"Ở thời điểm hiện tại, giá 1 kg nhân hạt mắc ca thành phẩm sản xuất trong nước lên tới 700 nghìn đồng/kg, tương đương hơn 33 USD/kg. Với giá này, hạt mắc ca sẽ gặp không ít khó trong tiêu thụ nội địa", ông Minh nhấn mạnh.
Chia sẻ về vấn đề sản xuất - chế biến - tiêu thụ loại hạt này, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tỏ ra quan ngại và cho rằng: Hiện nay chúng ta chưa xác định được kênh thị trường tiêu thụ cụ thể; không thể lấy nhu cầu của thế giới làm thước đo cho đầu ra của mắc ca của Việt Nam. Không những vậy, nước ta vẫn chưa có nhiều chuyên gia về cây trồng này, còn chuyên gia về sản phẩm mắc ca thì gần như chưa có, rồi một chiến lược toàn diện, dài hơi cũng vẫn còn bỏ ngỏ...
Ngoài ra, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, lại có cái nhìn thận trọng hơn về mắc ca. Theo ông, về mặt khoa học thì sẽ không ai phủ nhận hiệu quả, năng suất của cây này, song để đưa vào trồng mở rộng cũng cần phải nhìn nhận những bài học khi phát triển các loại cây công nghiệp trước đó để tránh.
"Người ta có thể lấy thông tin từ nước này, nước khác để nói về những thuận lợi của việc phát triển mắc ca. Cho nên các cơ quan có trách nhiệm khoa học cần thể hiện vai trò trong câu chuyện này. Trồng được rồi nhưng dịch bệnh là gì? tại sao bây giờ chưa phát hiện ra sâu bệnh hay đến một lúc nào đó nó mới có?. Đây cũng có thể là một rủi ro. Còn người trồng cũng cần tỉnh táo trong việc lựa chọn giống. Hiện nay, có hai nơi tin cậy cung cấp giống mắc ca là một công ty ở Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) và Ba Vì (Hà Nội), mỗi năm cũng chỉ cung cấp chừng 30 vạn cây giống", GS Lung cảnh báo.
Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông lâm sản chế biến và các tỉnh Tây Bắc triển khai thí điểm xây dựng mô hình trồng cây mắc ca gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo quy định tại Quyết định 27/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
|