CPI tăng thêm 0,03% do giá xăng tăng
Tại buổi tọa đàm, nói về tác động của việc tăng giá xăng dầu tới CPI, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, theo Tổng cục Thống kê, việc điều chỉnh giá xăng tăng 1.600 đồng/lít sẽ làm tăng CPI khoảng 0,03%.
Từ tháng 7/2014 đến nay, sau 14 lần điều chỉnh, giá xăng, dầu đã giảm khá sâu với mức giảm tới 10.000 đồng/lít (khoảng 40%), trong khi mức tăng vừa rồi chỉ là 10%, việc tác động đến sản xuất cũng không quá tiêu cực.
"Chính vì vậy, không nên nhìn ngắn hạn 1-2 lần tăng giá để kết luận bản chất sự việc trong cả một quá trình.Việc điều hành giá của Chính phủ trong một thời gian dài đảm bảo không gây sốc, tính toán cân đối có lợi nhất cho người tiêu dùng nhưng vẫn phải theo tín hiệu thị trường. Đây là nguyên tắc", ông Quyền phân tích.
Để hạn chế tác động từ tăng giá xăng, điện đến giá cả tiêu dùng nói chung, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các địa phương kiểm soát lạm phát, hạn chế việc điều chỉnh giá tăng theo giá xăng dầu. Đi đôi với đó, cơ quan chức năng cần thanh, kiểm tra theo các quy định của pháp luật để bình ổn giá.
Người tiêu dùng không hài lòng ở sự "minh bạch" của EVN
Xung quanh vấn đề tăng giá điện từ ngày 16/3, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong cơ cấu giá thành điện hiện nay của EVN vẫn còn một khoản lỗ từ năm 2010 - 2011 phải treo để hạch toán dần. Việc tăng giá điện thêm 7,5% từ 16/3 có một phần là để xử lý khoản lỗ treo này.
"Giá điện hiện nay mới tiệm cận giá thị trường, hạch toán hết lỗ treo thì mới theo giá thị trường", ông Tuấn nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, hiện EVN thường tính toán giá điện đầu ra, dùng giá đầu ra để so sánh với các nước chứ chưa tính tới các yếu tố giá đầu vào của sản xuất điện. Theo nhận định ban đầu của Thanh tra Chính phủ thì ngành điện làm ăn chưa hiệu quả, từ việc đầu tư ngoài ngành đến năng suất lao động kém, tổn thất điện năng lớn... mọi chi phí này đều được đưa vào giá thành. Hay nói một cách khác, việc EVN lỗ là do quản trị doanh nghiệp kém giờ lại để người tiêu dùng phải gánh.
Như vậy, điều bất cập ở đây chính là hoạt động của EVN trước nay không hiệu quả, chi phí phát sinh cho việc này lại đổ lên đầu người tiêu dùng. EVN phải minh bạch hơn trong tính toán chi phí, giá thành điện.
"Để người tiêu dùng chấp thuận tăng giá điện của EVN thì cần tiến hành một cuộc “đại phẫu thuật” đối với EVN với sự tham gia của cơ quan tư vấn độc lập, đủ chuyên môn. Trên thực tế, không phải người tiêu dùng không chia sẻ với khó khăn với ngành điện mà là họ không hài lòng ở sự "minh bạch" của EVN...", ông Long nói./.