Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh: Doanh nghiệp chung tay trong cải cách thể chế" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kết hợp cùng USAID tổ chức ngày 19/3.
Ghi nhận kết quả tích cực từ ngành Tài chính
Theo báo cáo VCCI, trong những năm qua Chính phủ đã tích cực điều chỉnh chính sách, cải thiện thủ tục thuế, hải quan, thành lập doanh nghiệp, cắt giảm được 30% đến 70% về thời gian và những thủ tục rườm rà.
"Đến nay, nước ta đã giảm được tới gần 400 giờ nộp thuế; giảm thời gian cấp điện cho DN từ 115 ngày còn 18 ngày; thủ tục hải quan đã áp dụng cơ chế thông quan điện tử, một cửa quốc gia, kết nối 3 bộ thành lập cơ sở dữ liệu chung... Kết quả này đã nhanh chóng có tác động tích cực đến hoạt động của DN", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
|
Những cải cách mạnh mẽ của ngành Tài chính đã nhanh chóng có tác động tích cực đến hoạt động của DN. Ảnh minh họa
|
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Hữu Huỳnh, chuyên gia cao cấp của VCCI cho biết, hiện theo đánh giá của DN, tinh thần giảm thủ tục, giảm chi phí, tăng công khai minh bạch, nâng cao tính chuyên nghiệp, trách nhiệm giải trình với DN... đã lan tỏa đến hầu hết các bộ, ngành, địa phương.
"Đặc biệt, Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 (Nghị quyết 19) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016 vừa được ban hành là bước đi quyết liệt nhằm hiện thực hóa công tác đổi mới thể chế của Chính phủ", ông Huỳnh nói.
Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá: "Thời gian qua, chúng ta nhận thấy ngành Tài chính đang có sự thay đổi tư duy mạnh, có nỗ lực cao trong cải cách thủ tục thuế, hải quan, thường xuyên tổ chức đối thoại lấy ý kiến góp ý của DN về các quy định của ngành. Giai đoạn 2015-2016 ngành Tài chính chắc chắn sẽ thực hiện được các mục tiêu Chính phủ đã đưa ra trong Nghị quyết 19".
Doanh nghiệp giữ vai trò quyết định
Tuy nhiên, ông Lộc nhấn mạnh thêm, Nghị quyết 19 có được thực hiện hiệu quả hay không, việc đổi mới thể chế thành công hay thất bại thì hệ thống DN giữ vai trò quyết định.
"Chính vì vậy, DN cần thường xuyên kiến nghị và phản ánh thông tin cho Chính phủ. Tuy nhiên, để DN có thể đưa tiếng nói của mình đến với các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, cần có sự hỗ trợ của các hiệp hội. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ dành nhiều nguồn lực để tăng cường năng lực cho các hiệp hội, tạo tiền đề hỗ trợ tốt hơn cho DN", ông Lộc khẳng định.
Ngoài ra, ông Huỳnh cho biết thêm, sau đợt tổng rà soát lớn nhất ý kiến DN đối với 16 luật liên quan kinh tế, Quốc hội đã ban hành và sửa đổi hầu hết 16 luật này. Đặc biệt, trong đó, có đến 60-70% kiến nghị của doanh nghiệp đã được thực thi.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, để DN phát triển không chỉ cần có các đạo luật tốt mới tạo điều kiện thuận lợi cho DN, mà còn cần những thay đổi thực sự từ thực tiễn. Các cơ quan làm luật và thực thi luật cần đối thoại, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của DN nhiều hơn nhằm gỡ vướng cho DN./.
Nghị quyết 19 đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho DN.
Theo đó, năm 2015 phấn đấu chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN+6, trong đó rút ngắn thời gian nộp thuế không quá 121,5 giờ/năm; nộp bảo hiểm xã hội không quá 49,5 giờ/năm; thực hiện thủ tục kinh doanh tối đa 6 ngày; thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp tối đa 36 ngày; thời gian hàng hóa nhập khẩu qua biên giới tối đa là 13 ngày với hàng hóa xuất khẩu; 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu... |