Đây là chia sẻ của ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh câu chuyện hàng giả, hàng nhái.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay?
Ông Lê Thế Bảo: Có thể nói hàng giả, hàng nhái là vấn nạn của tất cả mọi quốc gia trên thế giới và ngày một gia tăng. Theo thống kê của các tổ chức xã hội và hải quan thế giới, năm 2006 có khoảng 500 tỷ USD giá trị hàng giả lưu thông trên thị trường, đến năm 2010 trong tổng giá trị lưu chuyển là 37.000 tỷ USD thì có 2.000 tỷ USD là giá trị hàng giả.
Hay như ở Mỹ mỗi năm thiệt hại khoảng 250 tỷ USD vì nạn hàng giả, hàng nhái. Hoặc ở Thụy Sỹ, mỗi năm sản xuất khoảng 25 triệu chiếc đồng hồ, nhưng trên thế giới mỗi năm có khoảng 40 triệu đồng hồ Thụy Sỹ được tiêu thụ,… Những ví dụ đó cho thấy nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng nghiêm trọng mà như một số ý kiến đánh giá rằng "thế kỷ 21 là thế kỷ của tội phạm hàng giả, hàng nhái".
Ở Việt Nam, nạn hàng giả, hàng nhái cũng rất phổ biến, cả ở thành thị và nông thôn. Mặt hàng làm giả, làm nhái cũng hầu như phủ khắp tất cả các loại sản phẩm từ bình dân đến cao cấp; từ những mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, quần áo, giầy dép, hàng điện tử, nội thất… đến những mặt hàng ăn uống, chăm sóc sức khỏe như thuốc, bánh kẹo, rượu bia…; thậm chí giống cây trồng, phân bón, hộ chiếu, con dấu… cũng bị làm giả.
Thêm vào đó, hiện nay tốc độ làm giả rất nhanh. Trước đây, một sản phẩm bị làm giả thường phải mất 6-7 tháng, thì hiện nay thời gian làm giả chỉ mất khoảng 1 tháng. Ngoài ra, kỹ thuật, thủ thuật làm giả cũng ngày càng tinh vi; làm giả không chỉ ở trong nước mà còn đặt hàng ở nước ngoài rồi chuyển về Việt Nam tiêu thụ,… Tất cả những điều đó cho thấy nạn hàng giả, hàng nhái càng ngày càng nghiêm trọng.
|
|
 |
DN phải đóng vai trò là “lực đẩy”, chủ động phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc phát hiện hàng giả, hàng nhái của chính các DN trên thị trường, cũng như hỗ trợ thông tin nhận biết, phân biệt hàng giả, hàng nhái cho người tiêu dùng, các lực lượng thực thi, để công cuộc chống hàng giả, hàng nhái không chỉ của riêng các cơ quan chức năng mà là sự chung sức của DN và người tiêu dùng...
|
 |
|
Ông Lê Thế Bảo
|
|
|
PV: Vậy, đâu là lý do khiến nạn hàng giả, hàng nhái ngày một gia tăng trong khi chúng ta cũng đã có biện pháp để khắc chế, thưa ông?
Ông Lê Thế Bảo: Khó khăn lớn nhất là bản thân các DN chưa “mặn mà” với việc chung sức cùng các cơ quan chức năng ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái. Bởi, việc phân biệt thật, giả rõ ràng không cơ quan nào, lực lượng nào nhận biết tốt nhất và chính xác nhất hơn chính DN sản xuất ra sản phẩm đó.
Tuy nhiên, hiện nay DN phần nhiều chỉ tập trung vào lo sản xuất, tiêu thụ chứ chưa chú trọng hỗ trợ các lực lượng chức năng cũng như người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả. Số lượng DN có hình thức giúp người tiêu dùng có thể phân biệt hàng thật, hàng giả rất ít.
Bên cạnh đó, mức thu nhập trung bình của người dân hiện nay còn thấp, trong khi sản phẩm của DN có giá thành hơi cao; nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của hàng giả, hàng nhái chưa cao... là môi trường cho hàng giả, hàng nhái vẫn có “đất sống” và phát triển.
Ngoài ra, điều kiện trang thiết bị, kinh phí cho các lực lượng thực thi chống hàng giả, hàng nhái còn hạn chế cũng là một phần khó khăn ảnh hưởng đến công tác này. Thêm nữa, các văn bản quản lý về việc chống hàng giả, hàng nhái đôi khi còn chồng chéo nhau, tản mạn hay có một mặt hàng mà nhiều bộ cùng quản lý… dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.
PV: Vậy, để từng bước ngăn chặn và đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái cần có những giải pháp như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Thế Bảo: Để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái trước hết cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng hàng giả, hàng nhái. Khi người tiêu dùng quan tâm hơn đến việc tìm đến những đại lý phân phối chính thức hay tìm hiểu kỹ về sản phẩm khi mua sắm sẽ góp phần thu hẹp “đất sống” của những cá nhân, tổ chức sản xuất hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thực thi trong công cuộc chống hàng giả, hàng nhái. Hiện nay, chúng ta có 35 Nghị định liên quan đến hàng giả, hàng nhái và chất lượng sản phẩm; 7 cơ quan thực thi về chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ,… Bởi vậy, các cơ quan thực thi cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp chống lại nạn hàng giả, hàng nhái.
Tôi cũng cho rằng, trên một số mặt nào đó, cơ quan thực thi phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc để nạn hàng giả, hàng nhái phát triển thì cuộc đấu tranh này mới có hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải huy động được sự đồng lòng, chung sức của chính bản thân các DN vào công cuộc ngăn chặn và đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái. DN phải đóng vai trò là “lực đẩy”, chủ động phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc phát hiện hàng giả, hàng nhái của chính các DN trên thị trường....
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của DN trong việc chú trọng đến chất lượng sản phẩm, đầu tư cải tiến máy móc thiết bị để hạ giá thành sản phẩm nhằm đưa giá sản phẩm tiệm cận hơn với mức thu nhập trung bình. Qua đó, người dân sẽ được sử dụng những sản phẩm uy tín, giá thành phải chăng, tiến tới “tẩy chay” hàng giả, hàng nhái.
PV: Xin cảm ơn ông!