Đường sang Trung Quốc "khổ đủ bề"
Từ đầu năm đến nay, rất nhiều mặt hàng nông sản nước ta lại rơi vào thảm cảnh khi bị ùn ế tại các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc. Đầu tháng 4, hơn 2.000 xe tải chở dưa hấu bị ách tắc ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Sau đó, thanh long cũng bị rớt giá thảm hại do bị ùn ứ tại cửa khẩu xuất sang Trung Quốc. Hiện hơn 30.000 tấn gạo lại tiếp tục “nằm chờ” tại cửa khẩu Lào Cai. Tất cả các vụ việc trên đã và đang vẽ cho nền nông nghiệp nước ta một mảng màu tối.
Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, hiện nay, mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu chủ yếu qua cửa khẩu chiếm 95% là trái cây tươi, nông sản. Còn theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, hiện 54% sản lượng trái cây xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trên thực tế, lâu nay, câu chuyện hàng nông sản bị ép giá, hay ế ẩm xảy ra như cơm bữa và không có gì là lạ. Nhà sản xuất nông nghiệp luôn trong trạng thái mất mùa đã khổ, được mùa cũng vẫn “khổ” đủ bề. Đặc biệt, trong thời gian qua, phía Trung Quốc thường đóng cửa khẩu một thời gian mà không có thông báo trước nên hàng nông sản bị kẹt ở các cửa khẩu và chúng ta bị buộc vào tình thế phải bán với giá rẻ mạt.
Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, hiện nay, mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu chủ yếu qua cửa khẩu chiếm 95% là trái cây tươi, nông sản. Còn theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, hiện 54% sản lượng trái cây xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
“Rõ ràng là nông sản của nước ta, nhất là hàng hoa quả đang rất nghèo nàn về thị trường. Có thể thấy việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường bấp bênh, không có tính ổn định như Trung Quốc đang dần “bóp nghẹt” một số mặt hàng nông sản của nước ta”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá.
 |
Dưa hấu bị ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: TL
|
Cần thay đổi kiểu làm ăn tự phát
Theo đánh giá của các chuyên gia, bao nhiêu năm qua, DN và nhà sản xuất nông nghiệp vẫn quen thói làm ăn với Trung Quốc theo kiểu hàng mang đến biên giới mới thỏa thuận giá cả, số lượng. Phương thức chủ yếu là theo đường tiểu ngạch, không có hợp đồng nên rủi ro rất lớn.
Nếu không thay đổi cách nghĩ và phương thức làm ăn, giao thương với Trung Quốc thì tình trạng nêu trên vẫn sẽ là bi kịch tiếp diễn trong thời gian tới. Vì vậy, ngay từ bây giờ, nhà sản xuất nông nghiệp cũng như DN cần có những chiến lược dài hơi và bài bản hơn, nắm bắt được thị trường, có đầu mối giao dịch cũng như có hợp đồng ràng buộc chặt chẽ.
“Các DN Việt Nam cần phải thay đổi phương thức kinh doanh để giảm thiểu tối đa các rủi ro khi xuất nông sản cho Trung Quốc. DN nên chuyển từ giao thương tiểu ngạch sang ký kết chính thức theo con đường chính ngạch”, ông Phong khuyến cáo.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ DN, các cơ quan quản lý cần có khảo sát, nghiên cứu và thông báo cụ thể thông tin diễn biến của thị trường Trung Quốc để DN có thể chủ động kế hoạch sản xuất, thu mua và xuất khẩu của mình.
Tại cuộc gặp gỡ mới đây với Bộ Công thương, một số DN xuất khẩu nông sản cho biết gặp phải nhiều khó khăn trong việc phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến thủ tục thương mại. Trước những kiến nghị của DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đồng ý với chủ trương sẽ thành lập một nhóm công tác “phản ứng nhanh” để trực tiếp xử lý kịp thời vướng mắc, tồn đọng của DN trong XK nông sản.
Theo đó, nhóm công tác này sẽ tổ chức thường xuyên đối thoại với các hiệp hội, ngành hàng nhằm nắm bắt cụ thể, kịp thời yêu cầu của DN và thị trường, thông qua đó sẽ tìm ra đối sách kịp thời và hiệu quả. Hy vọng, chủ trương này sớm được đi vào thực tiễn để xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc không còn xảy ra tình trạng như thời gian vừa qua./.