Tại Hội nghị "Phát triển sắn bền vững" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức tại Hà Nội, đại diện Bộ Công thương cho biết, đến nay cả nước có 7 nhà máy sản xuất ethanol từ nguyên liệu sắn được xây dựng với tổng công suất thiết kế 502 nghìn tấn ethanol. Các nhà máy sản xuất ethanol sinh học hầu hết đều được xây dựng từ các vùng trồng sắn trọng điểm, có nguyên liệu sắn lát khô dồi dào.
Theo tính toán của Bộ Công thương, nếu các dự án đầu tư được triển khai đúng tiến độ, đến hết năm 2015 cả nước sẽ có khoảng 23 nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 858.000 tấn ethanol và cần sử dụng khoảng 2,15 triệu tấn sắn lát khô để sản xuất ethanol.
Tuy nhiên, có một thực tế, mặc dù nằm trong số 10 nước có sản lượng sắn cao nhất thế giới nhưng năng suất của Việt Nam tương đối thấp, khoảng 17 tấn/ha, trong khi Ấn Độ là 31 tấn/ha, Thái Lan 21 tấn/ha… Theo Bộ NN&PTNT, năng suất thấp là do giống sắn cũ vẫn được sử dụng, kỹ thuật canh tác lạc hậu, quảng canh và quan trọng là sản xuất không tuân theo quy hoạch và cũng chưa được Nhà nước bảo hộ.
Bên cạnh đó, theo thống kê, 70% sản lượng sắn do Việt Nam sản xuất được dành để xuất khẩu, 30% còn lại là phần dành cho sản xuất trong nước. Trong khi đó, nhiều địa phương không có kế hoạch mở rộng diện tích trồng sắn; thậm chí, Bộ NN&PTNT còn có chủ trương giảm tổng diện tích trồng sắn xuống còn 490.000 ha trong kế hoạch 5 năm (2011-2015). Như vậy, nguy cơ không đủ sắn cho sản xuất ethanol đã hiển hiện.
Theo Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, hầu hết các nhà máy sản xuất ethanol sinh học có công suất mới xây dựng đều sử dụng sắn (khô hoặc tươi) làm nguyên liệu để sản xuất. Các nhà máy nhỏ sử dụng đa dạng nguyên liệu sắn, gạo, mật rỉ đường để sản xuất. Nếu các nhà máy sản xuất hết công suất để sản xuất cồn nhiên liệu thì tổng công suất đạt khoảng 500 triệu lít/năm, có thể pha được khoảng 10.000 triệu lít xăng E5 hoặc khoảng 5.000 triệu lít xăng E10. |