Nông nghiệp bắt đầu hút nhà đầu tư lớn
“Trong những năm gần đây, nhiều DN lớn đã gia tăng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Tập đoàn TH True Milk, Hoàng Anh Gia Lai, Vingoup, Vinamilk, Công ty giống Thái Bình…”, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết như vậy tại “Diễn đàn doanh nghiệp với nông thôn mới”, do Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tổ chức ngày 22/5.
Thực tế, thu nhập của người nông dân có sự tăng trưởng hàng năm, trong đó năm 2014 tăng gấp 2 lần so với năm 2010 do đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả giữa nhà DN với nhà nông.
Điển hình như Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã triển khai cánh đồng mẫu lớn. Công ty ký hợp đồng sản xuất lúa với nông dân, đảm bảo cung ứng dịch vụ đầu vào, hướng dẫn thực hiện quy trình sản xuất, dịch vụ bảo vệ thực vật, ứng vốn sản xuất, tổ chức bao tiêu sản phẩm cho nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả công ty và người dân. Người dân giảm giá thành sản xuất 1.236 đồng/kg lúa, đảm bảo chủ động đầu ra với giá bán bình quân 6.717 đồng/kg lúa.
Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình đã triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa giống, mang lại hiệu quả cao, đảm bảo chất lượng lúa giống cung ứng ra thị trường và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.
Công ty đã áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tăng năng suất, giảm chi phí giống, số lần phun thuóc trừ sâu bệnh và giá thu mua sản phẩm tăng hơn 30% so với gia thị trường. Lợi nhuận thu được từ các mô hình sản xuất giống cho Công ty đạt 28,3 triệu đồng/ha/vụ (56,6 triệu đồng/ha/năm). Lợi nhuận trong mô hình liên kết cao hơn so với sản xuất ngoài mô hình 15 triệu đồng/ha/vụ.
Cần phát huy mạnh mẽ vai trò của DN
Theo mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 có 20% số xã và đến 2020 có 50% số xã trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn NTM theo tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu này, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, phải có mối quan hệ chặt chẽ giữa DN, nông dân và nhà quản lý. Trong đó, nông dân đóng vai trò chủ lực nhưng trong sự tổ chức lớn của DN.
"Trong mọi chính sách cần hướng tới là hình thành chuỗi giá trị, DN liên kết chặt với nông dân, hợp tác xã, hình thành kênh phân phối hàng nông sản, có địa chỉ tiêu thụ cụ thể", ông Thiên chia sẻ.
Để thu hút DN đầu tư nông nghiệp nông thôn, tại diễn đàn, các đại biểu còn cho rằng: Nhà nước cần rà soát, nâng cao chất lượng và quản lý quy hoạch như: đất đai, phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ gắn với xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng các đề án, dự án có tính khả thi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Công khai minh bạch trong các quy hoạch, đề án dự án kêu gọi đầu tư; đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn. Thậm chí, có bước có đột phá trong việc ban hành những chính sách nhằm đơn giản hóa các thủ tục cấp phép đối với DN, thủ tục triển khai những dự án trong nông nghiệp”, ông Tiến nói.
Ông Đinh Ngọc Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu đề xuất: Nhà nước cần hỗ trợ tạo cơ hội cho DN tiếp nhận công nghệ mới, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng nông, lâm thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi để các DN công nghệ cao tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Song song đó, Nhà nước triển khai thực hiện Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, tăng cường quan hệ đối tác giữa nhà nước và tư nhân để cùng xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch cvụ công cộng, góp phần tăng nguồn vốn đầu tư…
Một số chính sách ưu đãi đối với DN có hợp đồng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ với người sản xuất trong vùng nguyên liệu theo quy định tại NĐ 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong đó, hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng công trình xử lý môi trường đối với DN chế biến nông, thủy sản; Hỗ trợ kinh phí mới, nâng cấp, tu sửa công trình giao thông nội đồng, thủy lợi nội vùng, mức hỗ trợ không quá 30% tổng kinh phí các công trình đối với các mặt hàng nông, thủy sản thuộc danh mục đặc biệt ưu tiên và 20% đối với các mặt hàng nông, thủy sản thuộc danh mục ưu tiên…
|