Đây là chia sẻ của ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN bên lề Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”, do Sở Tư pháp Hà Nội phối hợp với Hiệp hội DNNVV Việt Nam tổ chức sáng nay 16/6, tại Hà Nội.
* Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về mức độ am hiểu pháp luật trong kinh doanh thương mại của DN, đặc biệt là DNNVV Việt Nam hiện nay?
- Sự quan tâm đến công tác pháp luật trong khối DN, đặc biệt là DNNVV còn rất mờ nhạt, lãnh đạo DN chỉ giải quyết các vấn đề pháp luật khi có sự vụ xảy ra, như kiện tụng, tranh chấp, tai nạn lao động, bị thanh tra kiểm tra,... Do không có biện pháp phòng ngừa, vì thế khi có những sự vụ pháp lý xảy ra đa phần DN bị lúng túng, dùng quan hệ đi “cửa sau” nhiều khi bị thua kiện mà lỗi do ý thức pháp luật không tốt.
Bên cạnh đó, đa phần đội ngũ quản lý DNNVV không được đào tạo về pháp luật, chính vì vậy khi cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra thì đều thấy có rất nhiều vấn đề về pháp luật mà DN còn thiếu sót và vi phạm như: Vấn đề lao động, bảo hiểm, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, thuế, hợp đồng thương mại quốc tế,…
Ngoài ra, các DN chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của Hiệp hội DNNVV trong việc bảo vệ quyền lợi hội viên, chưa chủ động đề xuất kiến nghị với cơ quan Thường trực Hiệp hội để nhận được giúp đỡ hỗ trợ khi có vụ việc tranh chấp pháp lý xảy ra. Do đó, nhiều vụ việc DN cứ “đơn thương độc mã” mà không biết rằng có tiếng nói đại diện của một giới (cộng đồng DN) luôn đứng bên cạnh để bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của DN.
* Với thực trạng như vậy, DN sẽ gặp rủi ro trong cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới?
- Đúng vậy, Việt Nam đã gia nhập nhiều tổ chức quốc tế lớn và ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên trên thực tế, trong quá trình vươn ra để hội nhập các DN Việt Nam đã gặp phải rất nhiều khó khăn về mặt pháp lý, nhiều DN kể cả các DN nhà nước đã vướng phải vòng kiện tụng, thua thiệt lớn về kinh tế khi phải chấp nhận thua kiện do một nguyên nhân là ý thức pháp luật còn hạn chế, hiểu biết về pháp luật kinh doanh chưa đầy đủ.
|
|
 |
Trong nền kinh tế thị trường các DN phải tự bảo vệ mình, chủ động đưa ra các giải pháp để phòng ngừa các rủi ro pháp lý nếu DN muốn tồn tại và phát triển bền vững. |
 |
|
Ông Tô Hoài Nam
|
|
|
Hiện nay, Việt Nam đang trong ngưỡng cửa hội nhập mới khi sắp gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do đặc biệt quan trọng với nhiều đối tác trong khu vực và trên thế giới, đây vừa là cơ hội lớn đồng thời cũng là những thách thức không nhỏ cho các DN.
Bởi vậy, sức cạnh tranh của DN Việt Nam có được nâng cao và thỏa mãn được yêu cầu hội nhập hay không thì phải do nội tại chất lượng và sự am hiểu thông lệ quốc tế của mỗi DN. Điều đó đòi hỏi bản thân mỗi DN phải thay đổi nhận thức và có những sự đầu tư xứng đáng cho bộ phận pháp lý của DN.
* Về phía Nhà nước cần có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho DN, thưa ông?
- Về nguyên tắc, trong nền kinh tế thị trường các DN phải tự bảo vệ mình, chủ động đưa ra các giải pháp để phòng ngừa các rủi ro pháp lý nếu DN muốn tồn tại và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trong điều kiện bối cảnh của Việt Nam, khi chúng ta chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế thị trường thì nền tảng tri thức pháp lý của DN tương đối thấp, trong một thời gian ngắn các DN ngoài quốc doanh được thành lập với số lượng theo cấp số nhân.
Vì vậy, công tác hỗ trợ pháp lý cho DN cần được coi là nhiệm vụ của toàn xã hội, trong đó nhà nước phải tạo ra một hệ thống pháp luật minh bạch, một sân chơi bình đẳng và điều quan trọng là pháp luật phải được thực thi, muốn như vậy nhà nước phải có những hình thức, hoạt động để pháp luật đến được với DN, đến được với người quản lý, chủ sở hữu của DN.
* Vậy còn Hiệp hội DNNVV sẽ có những sự hỗ trợ thế nào cho DN, thưa ông?
- Hiệp hội sẽ hoạt động tích cực hơn trong việc thu nhận ý kiến phản ánh của DN và kiến nghị lên các cơ quan ban hành chính sách để làm sao DN được tham gia nhiều hơn vào xây dựng và hoàn thiện chính sách. Bởi, trên thực tế nhiều chính sách liên quan đến DN bị bỏ qua không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện DN và các DN trước khi ban hành hoặc nếu có lấy ý kiến thì cũng chỉ để hình thức, dẫn đến ban hành thiếu thực tế, không khả thi gây khó khăn cho DN.
Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ hỗ trợ DN trong hỏi đáp thông tin pháp luật, để hạn chế tình trạng DN phải “chạy ngược chạy xuôi” trong vấn đề hỏi đáp pháp luật mà không biết phải làm thế nào cho đúng.
Ngoài ra, Hiệp hội sẽ tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DN, tổ chức các hoạt động dưới nhiều hình thức nhằm tuyên truyền, khuyến cáo DN thực thi pháp luật. Đồng thời, xúc tiến để sớm hình thành bộ máy chuyên trách về hỗ trợ pháp lý cho DN thuộc các hiệp hội DN địa phương./.
* Xin cảm ơn ông!