Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết như vậy khi trao đổi với PV TBTCVN.
PV: Thuốc BVTV hiện vẫn đóng vai trò quan trọng trong ngành trồng trọt, ông đánh giá thế nào về thị trường này tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Xuân Hồng: Việt Nam là một thị trường lớn đối với thuốc BVTV. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thuốc BVTV dạng nguyên liệu và thành phẩm từ nước ngoài với trị giá trên 700.000 USD. Do ngành sản xuất các loại hoá chất tổng hợp dùng cho BVTV trong nước chưa phát triển nên các doanh nghiệp (DN) vẫn phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu.
Cơ cấu các loại thuốc BVTV nhập khẩu và sử dụng tại Việt Nam có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ thuốc trừ cỏ một cách rõ rệt và giảm tỷ lệ thuốc trừ sâu. Hiện nay trong số các thuốc BVTV sử dụng tại Việt Nam có khoảng 45 - 47% là thuốc cỏ; 20 -22% là thuốc trừ bệnh; 22 -23% là thuốc trừ sâu; còn lại là các thuốc điều hòa sinh trưởng và các thuốc khác như thuốc trừ chuột, thuốc trừ ốc…
Tuy nhiên chúng ta cũng có những DN nhập nguyên liệu để phối chế và xuất khẩu thuốc thành phẩm sang nhiều nước khác với số lượng có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Hiện thị trường kinh doanh thuốc BVTV tại Việt Nam có khoảng 150 DN.
PV: Nhập khẩu đến 100.000 tấn thuốc BVTV mỗi năm, liệu có dẫn tới tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trong trồng trọt và bảo quản nông sản, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Hồng: Số lượng thuốc BVTV này phần lớn là nguyên liệu, thành phẩm rất ít, trong đó có khoảng 15% nguyên liệu DN nhập để sản xuất thuốc BVTV phục vụ xuất khẩu, 15% để trong kho, còn lại 70% (tương đương 70.000 tấn) để sử dụng trong nước.
Nếu lấy 70.000 tấn chia ra 10 triệu ha gieo trồng của Việt Nam thì lượng thuốc sử dụng trên mỗi ha là không nhiều. Đó là chưa kể lượng thuốc đó còn sử dụng đối với những loại cây trồng 2-3 vụ/năm. Với lượng thuốc sử dụng trên, so với nhiều nước trên thế giới, có thể khẳng định Việt Nam sử dụng không nhiều.
Còn vấn đề lạm dụng thuốc BVTV tức là sử dụng không đúng, sử dụng không đảm bảo thời gian cách ly hoặc dùng thuốc không đúng theo chuẩn, theo tôi, với lượng thuốc nhập khẩu trên, không có tình trạng lạm dụng thuốc BVTV.
PV: Hiện nay dư luận phản ánh có tình trạng sử dụng các loại thuốc BVTV “thần dược”, “kích phọt” không rõ nguồn gốc để giúp rau, hoa quả nhanh lớn hay chín ép trái cây. Cơ quan quản lý có nắm được vấn đề này không, thưa ông ?
Ông Nguyễn Xuân Hồng: Qua thanh tra, kiểm tra hàng năm, các địa phương vẫn phát hiện tình trạng sử dụng thuốc BVTV không rõ nguồn gốc và xử lý các trường hợp vi phạm một cách nghiêm khắc. Tuy nhiên, hiện tượng trên không phải phổ biến ở Việt Nam.
Hiện nay người dân cũng đã có ý thức khá tốt trong việc sử dụng thuốc BVTV. Khi mua, người dân đã biết lựa chọn các loại thuốc có nguồn gốc và có quy định sử dụng rõ ràng.
|
|
 |
Để sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, an toàn, hợp lý, ngành BVTV Việt Nam đã đúc kết và đề ra nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách) để hướng dẫn nông dân sử dụng.
|
 |
|
Ông Nguyễn Xuân Hồng
|
|
|
PV: Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp Bộ NN&PTNT thực hiện quản lý nhà nước về thuốc BVTV, Cục sẽ có giải pháp gì trong thời gian tới nhằm quản lý việc sử dụng thuốc BVTV hiệu quả?
Ông Nguyễn Xuân Hồng: Cục BVTV đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng giai đoạn 2015 -2020; Chương trình thí điểm phát triển dịch vụ BVTV tại cơ sở cũng đang được triển khai tại một số địa phương.
Hiện nay, Cục đang hoàn thiện để trình Bộ trình Chính phủ ban hành chính sách phát triển mạng lưới nhân viên kỹ thuật BVTV cấp xã để tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn nông dân trong công tác BVTV, trong đó có việc sử dụng thuốc BVTV một cách an toàn, hiệu quả.
Cục BVTV cũng chủ động đề xuất các giải pháp và phối hợp với các bộ, địa phương tăng cường quản lý thuốc BVTV trên thị trường, đặc biệt phòng chống thuốc BVTV giả, thuốc kém chất lượng, ngoài danh mục.
Đồng thời, tăng cường công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực thuốc BVTV. Song song đó, Cục đang khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung trình ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kinh doanh thực vật.
Ngày 8/6/2015 vừa qua , Bộ NN&PTNT đã ký ban hành Thông tư số 21 về quản lý thuốc BVTV. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ 1/8/2015. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng và ổn định lâu dài để các DN Việt Nam và DN nước ngoài yên tâm đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV tại Việt Nam thời gian tới.
Một điều đáng chú ý là các quy định về quản lý thuốc BVTV tại Việt Nam đã được lấy ý kiến rộng rãi. Các ý kiến góp ý đã được nghiên cứu, tiếp thu và giải trình chi tiết để vừa đảm bảo quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV và người sử dụng thuốc, vừa đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước, vừa hài hòa các quy định của các nước trên thế giới và trong khu vực.
PV: Xin cảm ơn ông!
Luật Bảo vệ và kinh doanh thực vật được Quốc hội thông qua đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, trong đó có 1 Chương về Thuốc BVTV. Các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật cũng đã được rà soát, hoàn thiện khẩn trương trong thời gian qua để đưa Luật vào cuộc sống. |