Vi phạm nhiều như “nấm mọc sau mưa”
Ngày 17/6 - ngày đầu tiên ra quân kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng lưu thông trên địa bàn Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện 82 vụ vi phạm, với tổng số tiền thu nộp là hơn 587 triệu đồng.
Trong đó, điển hình là vụ việc phát hiện, thu giữ lô hàng thực phẩm chức năng có dấu hiệu vi phạm, bao gồm 188 hộp Canxi D3, 445 hộp Kingphar Baby, 240 hộp Kingphar Slim, 140 hộp True Lady Kingphar, 550 hộp viên xương khớp Kingphar và 660 hộp Tràng Bát Vị, ước trị giá hàng hóa vi phạm là 295.250.000 đồng của Công ty cổ phần Kingphar Việt Nam (Thanh Xuân, Hà Nội).
 |
Nhiều vụ SX và KD TPCN giả bị phát giác vừa qua thực sự khiến DN làm ăn chân chính lo lắng và người tiêu dùng hoang mang. Ảnh: TL
|
Trước đó, hàng loạt các phi vụ “đình đám” về sản xuất và tiêu thụ thực phẩm chức năng giả đã bị phát giác. Gần đây nhất, ngày 8/6, Công an TP. Hà Nội đã phát hiện và thu giữ khoảng 20 tấn thực phẩm chức năng giả của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Y tế và Hoá chất VQTech.
Được biết, thủ đoạn của Công ty này là đăng ký kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng, công bố chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), sản xuất và gắn tem nhãn đóng gói thành phẩm thực phẩm chức năng giả với đầy đủ chủng loại và phân phối ra thị trường.
Đặc biệt, điều đáng nói ở đây là trong suốt khoảng thời gian dài, lượng lớn thực phẩm chức năng giả do ty TNHH Đầu tư Phát triển Y tế và Hoá chất VQTech sản xuất đã được phân phối cho rất nhiều hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội và được bày bán tại trung tâm Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội) - chợ buôn bán dược phẩm lớn nhất ở miền Bắc hiện nay.
Trước đó, cuối tháng 1, Công an TP. Hà Nội cũng đã phát hiện và thu giữ 12 tấn thực phẩm chức năng giả và nghi giả, bao gồm đủ các loại từ sữa ong chúa, nhau thai cừu, collagen, glucosamin, Ginkgo, tảo Nhật, dầu cá... đến trà giảm béo, tỏi đen…
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm chức năng
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng “nở rộ” các hành vi buôn bán thực phẩm chức năng giả là do nhu cầu trên thị trường tăng cao và tăng nhanh. Trong khi đó, việc kinh doanh thực phẩm chức năng giả và kém chất lượng lại đem về lợi nhuận “khủng”.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cho biết, theo điều tra, đa số mặt hàng thực phẩm chức năng làm giả có xuất xứ từ Trung Quốc. Thường thì một hộp thực phẩm chức năng “made in Trung Quốc” được nhập về Việt Nam chỉ có giá vài chục nghìn đồng. Sau khi thêm thắt, “chế biến” nhãn mác thì được bán ra thị trường với mức giá lên tới vài trăm nghìn đồng, thậm chí vài triệu đồng.
"Lợi nhuận khủng từ kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng là nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều đối tượng, đường dây buôn bán thực phẩm chức năng giả", ông Tuấn nhấn mạnh.
Trước nhiều vụ việc lớn về sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả liên tiếp bị phát giác trong thời gian vừa qua, ông Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung cao độ kiểm tra mảng thực phẩm chức năng, tiếp tục chỉ đạo 2 đoàn kiểm tra liên ngành và các Đội QLTT kiểm tra các DN, nhà thuốc trên địa bàn quản lý, nhằm phát hiện và thu hồi kịp thời các sản phẩm thực phẩm chức năng giả đang lưu thông trên thị trường Hà Nội.
Trên thực tế, hiện nay, người tiêu dùng rất khó để phân biệt được thật – giả trong việc mua bán và sử dụng thuốc, nhất là đối với thực phẩm chức năng. Trước những vụ việc bị phát giác, mới thấy thị trường thực phẩm chức năng trong nước thực sự như một ma trận hỗn loạn và thiếu sự quản lý chặt chẽ, bài bản, hiệu quả từ phía các cơ quan chức năng liên quan.
Chính vì vậy, không chỉ cần có sự vào cuộc ráo riết của lực lượng quản lý thị trường, công an mà rất cần sự tham gia của ngành y tế và toàn xã hội để có thể loại trừ những hành vi buôn bán giả mạo mặt hàng này thời gian tới./.