Cụ thể, Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối được tổ chức nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” khu vực miền Trung năm 2015.
Cùng với đó trong chương trình hội nghị cũng diễn ra các chuỗi sự kiện như: Hội thảo “Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các DN sản xuất với hệ thống phân phối”; giao lưu, trao đổi và ký kết các hợp đồng nguyên tắc, các biên bản ghi nhớ về cung - cầu hàng hóa giữa các DN sản xuất và phân phối...
Theo Bộ Công thương, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 6 tháng đầu năm, khu vực miền Trung-Tây Nguyên đạt tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ hơn 256.850 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ và đạt 48,1% kế hoạch năm 2015.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu toàn khu vực đạt 3.739 triệu USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ và đạt 45,5% kế hoạch năm 2015. Trong đó, các tỉnh, thành phố có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao là Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông... Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là cà phê, hàng dệt may, hàng thủy sản, gỗ và dăm gỗ, sản phẩm điện, điện tử...
Ngoài ra, tính đến tháng 6/2015 khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã thực hiện đầu tư so với quy hoạch là 1.475 chợ (đạt 68,9%); 132 siêu thị (đạt 42,8%); 21 trung tâm thương mại (đạt 19,09%); 2470 cửa hàng xăng dầu (đạt 68,06%); 126 tổng kho hàng hoá (đạt 263%); 1 trung tâm hội chợ triển lãm (đạt 12,5%); 25 tàu bán dầu trên biển (đạt 100%)...
Cũng theo Bộ Công thương, ước tính, 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghệ đạt 182.671,8 tỷ đồng (tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2014), chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 10,01% cao hơn bình quân cả nước.
Theo báo cáo sơ bộ của các Sở Công Thương khu vực, đến nay trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có khoảng 18.503 DN nhỏ và vừa (chiếm trên 17,29% cả nước), 368 HTX (chiếm 11,3 % cả nước).../.