Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết tại Hội nghị Phát triển nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, do Bộ NN&PTNN tổ chức.
Thông tin về kết quả 10 năm thực hiện Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp và thủy sản, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT cho biết, trong giai đoạn 2006-2014, Chương trình đã và đang triển khai 214 nhiệm vụ khoa học công nghệ với tổng kinh phí được cấp là 551,447 tỷ đồng. Trong số này có 130 nhiệm vụ khoa học công nghệ đã nghiệm thu, trong đó, một số nhiệm vụ đã được tiếp tục đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm ứng dụng vào sản xuất.
Tại Hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, giai đoạn 2006-2014, Chương trình đã tích cực triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ bám sát mục tiêu, nội dung đã phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, nhờ vậy đã đạt được nhiều kết quả tốt.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn nhận thấy, chương trình chưa được như mong đợi, bởi kết quả nghiên cứu chọn tạo chưa nhiều và chưa thể hiện tính vượt trội, chưa hình thành ngành công nghiệp công nghệ sinh học mà chỉ mới nhen nhúm, tiềm lực công nghệ sinh học nhìn chung còn thấp. Nguyên nhân do nguồn lực ít và phân tán, thiếu cơ chế chính sách để toàn xã hội tham gia.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong 10 năm qua, xác định nhiệm vụ khoa học công nghệ của Chương trình cho giai đoạn 2015-2020, cần gắn kết nhu cầu của thực tế sản xuất với hoạt động nghiên cứu triển khai thông qua việc đặt hàng nghiên cứu của các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ, các Sở NN&PTNT và các doanh nghiệp.
Song song đó, "ưu tiên mở mới nhiệm vụ hợp tác quốc tế dưới dạng PPP, ưu tiên tiếp tục đầu tư các nhiệm vụ đang triển khai để có sản phẩm cuối cùng", Bộ trưởng cho biết thêm.
Nhằm thu hút sự tham gia thực hiện Chương trình của các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp trong, ngoài nước và các địa phương, Bộ NN&PTNN đã tổ chức thông báo và giới thiệu Chương trình Công nghệ sinh học Nông nghiệp - Thủy sản đến các đối tượng liên quan dưới nhiều hình thức (công văn, thông tin trên mạng, hội thảo, hội nghị...). Định kỳ 6 tháng 1 lần Bộ NN&PTNN tổ chức họp Ban Điều hành để đánh giá tình hình triển khai Chương trình và định hướng nhiệm vụ tiếp theo.
|