Đây là chủ đề nóng được quan tâm tại buổi họp giao ban trực tuyến với các Sở Công Thương địa phương và DN do Bộ Công Thương vừa tổ chức.
Doanh nghiệp nội ngày càng lép vế
Theo số liệu của Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 77,7 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 81,498 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ.
Trong đó, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) xuất khẩu ước đạt 52,7 tỷ USD (tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2014).
Đặc biệt, tỷ trọng của khối DN FDI chiếm tới 67,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của khối DN nội chỉ khiêm tốn ở mức 22,86%, giảm 2,9% so với cùng kỳ.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Tiến Vỵ đánh giá, 6 tháng qua, một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam suy giảm đáng kể như: Nông sản (cà phê giảm 34,8%, hạt tiêu giảm 16%...), thủy sản (giảm 14,5%), nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản (giảm 45,5%)… Nguyên nhân là do yếu tố thời vụ, tuy nhiên chủ yếu là do khó khăn về thị trường.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã nhập siêu khoảng 3,75 tỷ USD, bằng 4,8% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khu vực DN FDI xuất siêu hơn 6 tỷ USD, còn DN nội thì nhập siêu hơn 9,8 tỷ USD.
Xuất khẩu năm 2015 liệu có cán đích?
Tại buổi họp, nhiều chuyên gia trong ngành cũng thẳng thắn bày tỏ lo lắng khi mà qua 6 tháng, xuất khẩu mới đạt 77,7 tỷ USD, con số quá khiêm tốn so với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm là 165 tỷ USD. Trong khi đó, “hiện các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã đạt đến ngưỡng về năng lực sản xuất nên khó có thể tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng này trong thời gian tới”.
Chia sẻ tại buổi họp ông Vỵ cho biết, trong những tháng cuối năm cần ban hành một số thông tư để kiểm soát nhập siêu ở mức phù hợp và việc nhập khẩu cần có sự phối hợp chặt chẽ của liên bộ để đảm bảo tính hiệu quả đối với từng mặt hàng cần phải kiểm soát… nhằm đảm bảo thực hiện kiểm soát nhập siêu cả năm 2015 dưới mức 5% mà Chính phủ đã đề ra.
Bên cạnh đó, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, để đạt được kim ngạch xuất khẩu 87,3 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm là một thách thức lớn đối với toàn ngành công thương. Vì vậy, ngay từ bây giờ, cần có những giải pháp thiết thực, cụ thể.
Trong đó, cần tập trung cao độ thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đàm phán các Hiệp định thương mại… nhằm gia tăng xuất khẩu. Đặc biệt, phải tăng cường cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế xuất khẩu qua mạng nhằm giảm chi phí cho DN xuất khẩu. Theo dự kiến, thời gian tới, Cục xuất nhập khẩu sẽ đưa thêm 2 thủ tục xuất nhập khẩu vào hệ thống một cửa quốc gia.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu các đơn vị chức năng trong bộ phối hợp chặt chẽ với địa phương để tăng cường các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Đặc biệt, đối với lĩnh vực nông nghiệp, cần đẩy mạnh sự liên kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và xuất khẩu. Trước mắt cần đẩy mạnh phát triển hệ thống thu mua và tiêu thụ hàng nông sản, đồng thời có các biện pháp kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng nông sản..., để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra./.