Ông Phạm Khắc Tuyên, Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Châu Á Thái Bình Dương (Bộ Công thương) nhấn mạnh tại Hội thảo "FTA Việt Nam-Hàn Quốc, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu" do Bộ Công thương tổ chức ngày 14/7.
Hơn 95% dòng thuế được cắt giảm
Trình bày tại Hội thảo, ông Tuyên cho biết, VKFTA có hiệu lực đồng nghĩa với việc với hơn 95% dòng thuế được cắt giảm. Đặc biệt, số dòng thuế Hàn Quốc cắt giảm cho Việt Nam nhiều hơn khoảng 5% số dòng thuế họ cắt giảm cho các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam.
Năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc đạt 30 tỷ USD và dự tính con số này sẽ chạm mức 70 tỷ USD vào năm 2020.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc sẽ ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thuỷ sản chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí…của Việt Nam. Trong đó, phải kể đến việc giảm thuế quan cho gần 502 mặt hàng, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, tôm gồm 7 mặt hàng với cam kết cấp hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn trong năm đầu tiên và 15.000 tấn sau 5 năm với thuế suất nhập khẩu 0%...
Ngoài ra, Hàn Quốc đặc biệt “sủng ái” Việt Nam khi mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước mà hiện đang có thuế suất rất cao từ 241 - 420% như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang…
Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết giảm và cắt bỏ hoàn toàn hầu hết các dòng thuế trong danh mục thông thường vào năm 2016, chậm hơn 6 năm so với các nước ASEAN 6 và Hàn Quốc, với một số dòng thuế có thời hạn cắt giảm linh hoạt đến năm 2018.
Điển hình, nước ta cam kết cắt giảm thuế quan đối với 200 mặt hàng, có kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc với giá trị là 737 triệu USD/năm.
 |
Nông sản là mặt hàng được Hàn Quốc ưu ái đặc biệt cho Việt Nam trong VKFTA .Ảnh: TL
|
Trong đó, nguyên phụ liệu dệt may, da giày (31 dòng) với kim ngạch nhập khẩu 434 triệu USD/năm. Động cơ, linh kiện, phụ tùng ô tô (33 dòng) với kim ngạch nhập khẩu 96 triệu USD/năm. Nguyên liệu nhựa (8 dòng), kim ngạch nhập khẩu 49 triệu USD/năm. Máy móc thiết bị (ắc quy, máy biến thế, động cơ điện) với kim ngạch nhập khẩu 14 triệu USD/năm. Ô tô (1 dòng xe tải trên 10 tấn, 1 dòng ô tô con trên 3000cc, với kim ngạch nhập khẩu 4,6 triệu USD/năm)…
DN phải biết cách “chiều lòng” thị trường khó tính
Tuy có nhiều thuận lợi và điều kiện để tăng sức cạnh tranh so với hàng hóa của các đối thủ, song theo bà Bùi Kim Thùy, Phó Trưởng phòng xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), DN Việt vẫn sẽ khó tránh “vấp” phải những rào cản nhất định.
Trong đó, rào cản đầu tiên là do quy mô nhỏ và rất nhỏ của đại đa số DN Việt đã hạn chế khả năng khảo sát, đánh giá, nắm bắt và xâm nhập thị trường không hề dễ tính này. Bởi người tiêu dùng Hàn Quốc cũng giống như Nhật Bản, chúng ta phải hiểu tập quán kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng của họ thì mới có thể đáp ứng tốt và xuất khẩu thành công.
“Riêng đối với nông sản – mặt hàng mà chúng ta rất kỳ vọng trong FTA này thì DN cần lưu ý, Hàn Quốc có bảo hộ cao đối với các mặt hàng này, nhất là đối với sản phẩm từ gia súc, gia cầm, sản phẩm sữa, hoa quả, khoai lang, tỏi, ớt, hạt tiêu…Do đó, DN cần thực hiện đúng quy tắc về xuất xứ hàng hoá”, bà Thùy phân tích.
Bên cạnh đó, ông Tuyên cho biết thêm, để đón bắt đúng thời cơ khi được “mở cửa” vào Hàn Quốc, DN Việt cần nhanh chóng nâng cao được chất lượng sản phẩm cũng như tiêu chuẩn, hợp chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ hàng hóa…Đồng thời, nhanh chóng hòa nhịp vào chuỗi phân phối của thị trường này./.