Đây là hai vấn đề được nhấn mạnh trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về thị trường lao động tại Việt Nam, trong đó đánh giá bức tranh việc làm tại Việt Nam đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong vòng 25 năm qua.
Lương tối thiểu tăng nhanh hơn năng suất lao động
Trước đây tại Việt Nam, việc làm hoàn toàn mang tính chất nông nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhưng nay đã chuyển dịch nhiều sang ngành công nghiệp, dịch vụ, ngoài nông nghiệp, DN tư nhân trong và ngoài nước.
Theo báo cáo, Việt Nam hiện có tổng số 52,6 triệu người lao động, trong đó lao động cá thể hộ gia đình trong nông nghiệp chiếm 43%, ngoài nông nghiệp chiếm 21%, còn lại là lao động làm công ăn lương, chiếm 36% (tương đường 18,7 triệu người).
Trong số lao động làm công ăn lương này có 11,3 triệu người có hợp đồng lao động (chiếm 22%). Trong số lao động có hợp đồng lao động, tỷ lệ lớn nhất là tại cơ quan nhà nước với 4 triệu người (chiếm 7,6%), tiếp đó là lao động tại DN tư nhân 3,9 triệu người (7,5%), tại DN FDI 2 triệu người (3,8%) và tại DNNN 1,4 triệu người (2,6%).
Số liệu trên cho thấy, cứ 10 người lao động thì có 1 người làm công ăn lương tại khu vực tư nhân. Việc tăng lao động làm công ăn lương ở khu vực tư nhân đóng vai trò nền tảng giúp cải thiện mức sống ở Việt Nam.
Khi so sánh mức lương tối thiểu/mức lương trung bình của khối phi nhà nước, tỷ lệ tại Việt Nam cao hơn đa số các nước khác. Sau những lần tăng gần đây, các mức lương tối thiểu (khối phi nhà nước) là khoảng ½ mức lương trung bình. Lương tối thiểu đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2006 trong khi năng suất lao động tăng thấp hơn nhiều.
Chủ lao động khó sa thải nhân viên
Cùng với đó, báo cáo cũng đánh giá quy định pháp luật về bảo vệ việc làm (EPL) ở Việt Nam hiện tại khắt khe hơn nhiều so với tiêu chuẩn toàn cầu và so với nhiều nước khác. Theo WB, các quy định thường có lợi cho “người trong cuộc”, là những lao động hiện đang có công việc, trong khi ít đem lại cơ hội mới cho “người ngoài cuộc”, là những người vẫn chưa có việc làm.
Các quy định này có thể là rào cản với tăng trưởng việc làm được trả công trong tương lai. Đặc biệt là các quy định bảo đảm việc làm khá chặt chẽ đã làm khó khăn trong việc sa thải nhân viên làm việc không hiệu quả và cắt giảm việc làm tại những thời điểm ít nhu cầu. Việc này có thể khiến các công ty tuyển lao động, làm giảm việc làm chính thức và năng suất lao động nói chung.
Để khuyến khích sự tăng trưởng lâu dài của việc làm, WB cho rằng Việt Nam nên điều hòa việc tăng lương tối thiểu trong tương lai liên kết với sự tăng năng suất lao động. Nới lỏng các quy định đối với các DN cho thuê lại lao động và các hợp đồng tạm thời, hợp đồng thuê ngoài. Thúc đẩy sự đồng thuận trong thị trường lao động bằng việc cải cách hệ thống quan hệ lao động giúp cho quyền lợi người lao động được đại diện tốt hơn.