Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ 2, khóa VI, Ban chấp hành VCCI được tổ chức ngày 22/7, tại Hà Nội.
“Giảm nghèo” thông qua doanh nghiệp
“Hiện nay, cả nước có hơn có hơn 500.000 DN, chẳng hạn bình quân mỗi DN có 20 nhân viên, mỗi nhân viên nuôi thêm một người phụ thuộc thì đã giải quyết được 20 triệu người, đó là còn chưa kể đến những DN sản xuất có quy mô lên tới hàng nghìn lao động”, ông Minh phân tích.
Chính vì vậy, Nhà nước cần tập trung chăm lo phát triển DN, doanh nhân, động viên DN, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động. Không nên đặt nặng công tác giảm nghèo cho cấp xã, phường như hiện nay mà nên giao cho các ngành kinh tế tổng hợp, các tập đoàn, DN…
 |
Toàn cảnh Hội nghị
|
Theo ông Minh, đặc thù của DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa, ít vốn, do đó rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là một số ngành như dệt, nhuộm, nước mắm… Bởi lẽ hiện nay đi đến địa phương nào để thực hiện các dự án cũng không được chấp thuận, vì vấn đề môi trường.
Nếu Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ về giá thuê đất, giúp DN xử lý nước thải… các DN sẽ nhập sợi về dệt, nhuộm cung cấp cho ngành may mặc nhằm giảm nhập khẩu và đồng thời giải quyết được lượng lao động lớn.
Bên cạnh đó, nói về vấn đề lao động và xóa đói giảm nghèo, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Lào Cai cho rằng, vấn đề tiền lương, mức lương tối thiểu của lao động trong DN đang được quan tâm hiện nay.
“Theo tôi, không nên quy định chung chung một mức lương tối thiểu cho tất cả các trường hợp. Chúng ta nên phân chia mức lương tối thiểu theo từng khu vực và Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ DN trong khu vực đó”, bà Tâm góp ý.
DN chỉ có thể “với” được nguồn vốn ngắn hạn
Đánh giá về vấn đề thực thi pháp luật, xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp, nhiều DN cho rằng, thời gian tới, cần phải quán triệt tinh thần “Chủ trương một, biện pháp phải mười, quyết tâm phải hai mươi”.
“Hiện DN và người dân rất băn khoăn, lo lắng về các chính sách, luật pháp bởi sự rườm rà, chậm đi vào thực tiễn, trong đó, có Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, gói kích cầu 30.000 tỷ đồng, …”, ông Huỳnh Văn Minh nói.
Theo ông Minh, hiện nay, đa số DN đang rất thiếu nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Theo chủ trương của Nhà nước, các ngân hàng thương mại sẽ tạo điều kiện cho DN vay vốn, nhất là nguồn vốn trung, dài hạn. Thế nhưng, trên thực tế, DN chỉ có thể “với” được nguồn vốn ngắn hạn, rất khó để được vay vốn trung, dài hạn và rất khó để vay bằng tín chấp.
Đồng quan điểm trên, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Doji cho biết thêm, từ ngày 1/7 vừa qua, Luật Doanh nghiệp và Đầu tư sửa đổi chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, để đi vào thực tiễn theo đúng tinh thần thông thoáng mà các bộ luật này được kỳ vọng thì e là khó.
“Nói là Luật Doanh nghiệp và Đầu tư sửa đổi rất thông thoáng nhưng thực tế chưa thấy có gì thông thoáng. Đơn cử như việc bỏ hay không nên bỏ con dấu DN, một vấn đề khó ngã ngũ trong khi trên thực tế, DN cho rằng, không nên bỏ con dấu”, ông Phú lấy dẫn chứng.
Bên cạnh đó, đánh giá về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng SeABank cho rằng, đến thời điểm hiện tại mới có 16.000 tỷ đồng được cam kết cho vay và khoảng 9.000 tỷ đồng được giải ngân đối với các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức, tương ứng khoảng 55% và 30% so với chỉ tiêu đề ra của toàn gói tín dụng.
“Như vậy là qua hai năm thì gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mới chỉ thực hiện được 30%, tiến độ quá chậm. Vậy chỉ còn chưa đầy một năm nữa liệu có thể hoàn thành được 70% còn lại? Tôi cho rằng rất khó và đề nghị kéo dài thời gian đến hết 30/12/2016”./.