ISAP- mô hình nông dân toàn cầu
Tại hội thảo khởi động ISAP Việt Nam diễn ra sáng nay, TS. Puvan Jselvanathan đã nêu bật những lợi ích của chương trình ISAP toàn cầu mang lại cho các quốc gia từ các nhà xuất nhập khẩu cho đến doanh nghiệp phân phối, các tổ chức sản xuất nông nghiệp cho đến người nông dân. ISAP là chương trình được Liên hợp quốc quan tâm thúc đẩy, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển thiên niên kỷ toàn cầu, quan tâm chính đến lĩnh vực sức khỏe- y tế-xóa đói giảm nghèo.
Theo đó, ISAP sẽ xác lập và đăng ký miễn phí cho người nông dân mã số định danh (mã số xanh). Thông qua việc đăng ký mã số xanh này, người nông dân có thể đưa thông tin các nhân của mình về sản phẩm nuôi trồng, năng lực sản xuất (tên sản phẩm, chỉ dẫn địa lý…), nhu cầu tìm kiếm bạn hàng, kênh tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, người nông dân cũng có thể nắm bắt được yêu cầu, tiêu chuẩn hàng hóa để có kế hoạch sản xuất ra sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường…
Đứng về phía lợi ích quốc gia, Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức xuất nhập khẩu, nhà phân phối sản phẩm dựa trên nhu cầu năng lực sản xuất của người nông dân mà đưa ra định hướng cho mục tiêu phát triển, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Hiện nay, trên toàn cầu đã có khoảng 20 quốc gia triển khai ISAP. Tại hội nghị báo cáo về việc thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ diễn ra vào tháng 9/2015 tại Hoa Kỳ, các quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ giới thiệu chương trình ISAP của mình.
TS. Puvan Jselvanathan cho hay, các nhà nhập khẩu, phân phối hàng hóa và người tiêu dùng tại thị trường châu Âu, Hoa Kỳ rất quan tâm đến vấn đề chỉ dẫn địa lý, chất lượng, an toàn vệ sinh sản phẩm, do vậy nếu thực hiện hiệu quả ISAP sẽ giúp Việt Nam thâm nhập thị trường một cách hiệu quả hơn, giúp người nông dân bớt khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thuận với quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Quang Vinh cũng đánh giá, mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu nông nghiệp nổi bật, tuy nhiên còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu đi sự bền vững.
Nền nông nghiệp còn dựa vào canh tác truyền thống, lạc hậu. Đây là nguyên nhân dẫn tới hàng hóa nông nghiệp sản xuất ra không đạt tiêu chuẩn chất lượng, giá bán thấp. Không những thế, việc canh tác nông nghiệp lạc hậu còn góp phần làm suy thoái tài nguyên môi trường, hạn chế khả năng sản xuất nông nghiệp của quốc gia. ISAP sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp Việt Nam vượt qua những hạn chế này.
Đăng ký 2.000 mã số xanh trên ISAP
Đề cập đến lộ trình triển khai ISAP, ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vứng Việt Nam-VCCI cho hay, trong gần 1 tháng trở lại đây, VCCI đã tích cực xúc tiến, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội nông dân Việt Nam…rà soát và nghiên cứu các bộ tiêu chuẩn sản xuất bền vững đang được áp dụng tại Việt Nam liên quan đến thủy sản, hoa quả, thực phẩm.
Phấn đấu đến hết tháng 8/2015 sẽ đăng ký và gửi lên hệ thống ISAP toàn cầu. "Thực hiện ISAP, trước mắt chúng tôi sẽ giúp các bộ, ngành chuyên trách và người nông dân hiểu biết về chuẩn mực xuất nhập khẩu tại nhiều thị trường khu vực và thế giới, qua đó để đưa ra giải pháp, chiến lược cho việc nuôi trồng sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới" ông Hải cho biết.
Dự án chương trình ISAP Việt Nam sẽ được triển khai chính thức từ 9/2015 đến 2018. Để ISAP Việt Nam đạt hiệu quả, đại diện VCCI cho biết sẽ quan tâm đến việc hỗ trợ người nông dân trong việc tiếp cận công nghệ thông tin trong quá trình lựa chọn và đăng ký, khai báo thông tin trên mà số định danh và ngôn ngữ. VCCI cũng sẽ Việt hóa ngôn ngữ các chỉ dẫn tham gia ISAP cho các bộ, ngành, hiệp hội ngành nghề, nhà xuất khẩu, phân phối sản phẩm, người nông dân có nhu cầu tìm hiểu và mong muốn tham gia./.