Thông tin này được đưa ra tại Cuộc họp Sơ kết công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2015 do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Cơ sở loại C ít "nhúc nhích"
Theo đánh giá của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, 6 tháng đầu năm 2015, có một thực tế "nổi cộm" là các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) nông, lâm, thủy sản loại C đang chiếm số lượng lớn và khi tái kiểm tra vẫn vi phạm mà chưa có cách xử lý triệt để.
Theo Bộ NN&PTNT, nhìn từ kết quả triển khai Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT của 40/63 tỉnh, thành phố, đến nay có 1.260/3.942 cơ sở xếp loại C (chiếm 32%) khi kiểm tra phân loại và kiểm tra định kỳ.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2015, có 735 cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra, tuy nhiên sau tái kiểm tra có 711 cơ sở vẫn "yên vị" loại C (96,7%). Trong số 735 cơ sở này, có tới 702 là cơ sở giết mổ và chỉ duy nhất 1 cơ sở giết mổ được lên hạng B sau tái kiểm tra.
Điều này cho thấy tình trạng không đảm bảo ATTP tại các cơ sở giết mổ vẫn còn phổ biến hiện nay, tuy nhiên cơ quan địa phương cũng chưa có biện pháp xử lý nghiêm, răn đe các cơ sở này mà hầu hết chỉ là nhắc nhở, khiển trách.
Ở lĩnh vực BVTV, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật còn cho hay: "Hiện nay, có 16,2% cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật xếp loại C, khi tái kiểm tra thì vẫn có tới trên 80% cơ sở trong số này vẫn không đạt tiêu chuẩn để nâng hạng. Đây chủ yếu là các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ. Để xử lý được các cơ sở vi phạm này, không chỉ có xử phạt mà cần phải có biện pháp xử lý bổ sung như thu hồi giấy phép 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc vĩnh viễn”, ông Hồng kiến nghị.
Tại cuộc họp, các ý kiến đều cho rằng, nếu không xử lý triệt để các cơ sở xếp loại C thì công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý vật tư nông nghiệp sẽ không đem lại hiệu quả cao, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.
Cấm dần từng nhóm kháng sinh
Lo ngại việc sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi cũng như nuôi trồng thủy sản sẽ ảnh hưởng đến ATTP cũng như sức khỏe người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo các đơn vị phải nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý để ngăn chặn và kiểm soát việc sử dụng theo hướng an toàn.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đề xuất, việc người chăn nuôi đưa kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi với mục tiêu phòng bệnh là nguy cơ gây mất ATTP rất cao. Tuy nhiên, việc bỏ sử dụng kháng sinh cần có lộ trình thích hợp vì ngay cả nước phát triển như Mỹ dự kiến đến năm 2018 mới bỏ, Trung Quốc chưa đưa ra lộ trình.
“Hiện nay, mới có 11 nước trên thế giới không dùng kháng sinh vào kích thích tăng trưởng. Việt Nam không thể nhanh hơn các nước phát triển vì điều kiện chăn nuôi của chúng ta về chuồng trại, về vệ sinh chăn nuôi của chúng ta chưa đạt yêu cầu như châu Âu, nếu bỏ ngay bây giờ thì dịch bệnh sẽ xảy ra rất nhiều”, ông Dương khẳng định.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nếu chưa thể cấm sử dụng được tất cả các loại kháng sinh thì cần cấm dần từng nhóm, nhất là nhóm kháng sinh cho người đang được sử dụng trong chăn nuôi.
Đặc biệt, tập trung xử lý những cơ sở xếp loại C sau tái kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền có sự tham gia của người dân trong phát hiện những mặt hàng nông sản có nguy cơ mất ATTP cao; mặt khác, phải thực thi các văn bản pháp quy nhất là vấn đề sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản./.