Ngày 5/8/2015, Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo thường kỳ về tình hình thực hiện kế hoạch tháng 7, 7 tháng và nhiệm vụ công tác tháng 8/2015. Cuộc họp nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông, lâm thủy sản trong thời gian tới.
Sức mua thị trường yếu
Tại cuộc họp báo, ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chánh Văn phòng, Bộ NN&PTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm 2015 dự báo giảm khoảng 700 triệu USD so với năm ngoái, chỉ đạt khoảng 3,2 tỷ USD so với con số khoảng 3,9 tỷ USD của năm ngoái. Áp lực giảm giá bán ở nhiều thị trường khiến giá cá tra, tôm vẫn ở mức thấp; nông dân đang phải chịu lỗ.
Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, xuất khẩu tôm cả nước 6 tháng đầu năm đạt khoảng 1,2 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt 741 triệu USD, còn lại là tôm sú.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của các địa phương, tôm vẫn còn dịch bệnh khiến người dân hạn chế thả nuôi. Nếu tình trạng này kéo dài thì ngành xuất khẩu thủy sản sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu chế biến trầm trọng, mất thị trường.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, xuất khẩu tôm gặp khó khăn trong thời gian qua, nguyên nhân quan trọng nhất là do sức mua của thị trường yếu. Đồng thời, tỷ giá cũng đang làm ảnh hướng tới xuất khẩu tôm. Bên cạnh đó, sự xâm nhập mặn nhiều nhất là vào tháng 3, tháng 5 và chênh lệch nhiệt độ rất lớn khiến tôm dịch bệnh cũng là một nguyên nhân làm giá trị xuất khẩu tôm giảm.
Ông Tuấn cũng dự báo tổng XK tôm Việt Nam 6 tháng cuối năm 2015 đạt trên 1,9 tỷ USD. Trong khi đó, XK tôm cả năm 2015 đặt mục tiêu đạt 3,2 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được con số này, ngành tôm cần tổ chức lại sản xuất nhằm khôi phục thị trường trong thời gian tới.
Hướng vào tôm sú
Đánh giá về thị trường cuối năm, ông Tuấn dự báo, nhu cầu tiêu thụ tôm của thị trường thế giới sẽ tăng trở lại trong thời gian tới để phục vụ dịp lễ Noel và Tết Dương lịch 2015. Để đẩy mạnh xuất khẩu cuối năm, chủ trương của Bộ NN&PTNT là sẽ chú trọng định hướng vào tôm sú, đặc biệt là vùng tôm sú nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến.
Ông Tuấn lý giải, trong bối cảnh sức mua thị trường đang yếu, khi sản xuất ở hệ thống quảng canh cải tiến thì giá thành sản xuất thấp và khả năng cạnh tranh cao hơn. Bên cạnh đó, đây là hệ thống nuôi ít rủi ro về dịch bệnh hơn. Ngoài ra, tôm sú có sự cạnh tranh phân khúc về thị trường tốt, sẽ giúp DN dễ thâm nhập vào các thị trường mới.
Tuy nhiên, về mặt lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh hệ thống tôm lúa và tôm rừng, bởi ngành tôm còn nhiều tiềm năng ở hệ thống này như: diện tích lớn, khả năng nâng cao năng suất và giá thành cũng thấp.
Để thành công với mô hình đó, “trước mắt, cần có chương trình khuyến ngư đào tạo, hỗ trợ, tập huấn cho nông dân để thay đổi diện mạo vùng nuôi tôm lúa, song song đó, áp dụng khoa học công nghệ, thay đổi thói quen của người dân từ sản xuất lạc hậu chuyển sang sản xuất tiên tiến", ông Tuấn nói.
Ngoài ra, theo ông Phạm Anh Tuấn, ngoài việc thúc đẩy những mô hình sản xuất trên, chúng ta cần dành nguồn lực nghiên cứu kỹ những yếu tố tác động đến sự suy giảm xuất khẩu của mặt hàng thủy sản thời gian vừa qua, từ vấn đề tỷ giá, nguồn cung, sức mua… để làm cơ sở dự báo thị trường, chỉ đạo, điều hành trong sản xuất ngành tôm nói riêng và thủy sản nói chung trong những tháng cuối năm và những năm tới./.