Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, nguyên nhân là do mức độ hao hụt của xăng E5 cao hơn so với xăng Ron 92, trong khi đó chi phí chuyển đổi ban đầu lớn (chi phí vệ sinh bồn bể, trụ bơm, bảng biểu, logo...) khiến DN e ngại.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền quảng bá về xăng E5 chưa được thường xuyên và sâu rộng nên chưa khuyến khích, thu hút cũng như thay đổi được thói quen trong việc mua và sử dụng xăng của người tiêu dùng dẫn đến hiệu quả kinh doanh xăng E5 chưa cao, chưa khuyến khích DN đẩy mạnh cung ứng loại xăng này.
Đặc biệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đầu tư đã lâu nên khi chuyển sang sử dụng cho xăng E5, cần phải có những hoán đổi phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật nên cần có thời gian và vốn để thực hiện.
Theo đó, Sở Công Thương cũng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện báo cáo kết quả triển khai xăng E5 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2015.
Sở cũng cho biết, để triển khai thực hiện việc phân phối xăng sinh học E5 đạt hiệu quả, Sở đã đề xuất với Thành phố về việc triển khai thực hiện sản xuất, phân phối xăng E5 trên địa bàn.
Cụ thể, đến hết 30/11/2015, triển khai kinh doanh xăng sinh học E5 tại ít nhất 50% cửa hàng xăng dầu thuộc doanh nghiệp xăng dầu đầu mối và thương nhân phân phối, trên mỗi quận/huyện/thị xã có ít nhất 50% cửa hàng bán xăng E5.
Hiện Sở đang rà soát, làm việc với các DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và tổng hợp danh sách các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đủ điều kiện để bán xăng sinh học E5 báo cáo UBND Thành phố vào đầu tháng 9/2015. Đồng thời sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện đồng bộ các giải pháp liên quan đến công tác thông tin tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kinh doanh xăng E5 theo đúng quy định./.