Đó cũng là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Hội thảo Khu vực đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc – thực tiễn tốt trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Khu vực ĐBSH được biết đến với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, diện tích lớn (bao gồm 11 tỉnh thành), dân cư đông đúc cùng cơ sở hạ tầng tốt. Tuy nhiên, số lượng và tỷ lệ các doanh nghiệp (DN) FDI vẫn còn thấp so với những khu vực khác. Cụ thể, tỷ lệ DN FDI lựa chọn Hà Nội cao nhất trong khu vực ĐBSH với mức 10%, nhưng vẫn đứng sau TP. HCM (19%), Bình Dương (15%) và Đà Nẵng là (12%).
“Vấn đề mấu chốt của Việt Nam là môi trường cạnh tranh bị méo mó, hệ thống giá cả không thể vận hành; từ đó, mục tiêu được đặt ra là thu hẹp trận địa của DN nhà nước, giảm thiểu sự độc quyền, ưu tiên ưu đãi mới có không gian cho DN tư nhân phát triển”, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Không những thế, Việt Nam hiện đang sở hữu những con số đáng lo ngại và đầy mâu thuẫn là "70-70", cụ thể: 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến từ FDI (thống kê tới tháng 4/2015) và 70% DN tư nhân không có lãi.
Với thực tại như vậy, hội thảo đã đưa ra những nhóm vấn đề nhằm giải quyết rõ ràng và thiết thực.
Thứ nhất là minh bạch - minh bạch về tổ chức/phân bố quyền lực chính quyền, về kết quả chính sách công, về quy trình quyết sách của chính quyền.
Theo tiến sĩ Edmund Malesky, Giáo sư Kinh tế chính trị, Đại học Duke Hoa Kỳ, minh bạch giúp DN đầu tư khôn ngoan và trọng điểm hơn, giảm chi phí giao dịch trong việc thu thập thông tin, dự báo và lên kế hoạch đầu tư tốt hơn. Khi cạnh tranh trong TPP các công ty Việt Nam sẽ ở vị thế bất lợi, nhưng những công ty hoạt động trong môi trường minh bạch sẽ nắm được nhiều thông tin hơn…
Thứ hai, việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng được thực hiện qua Nghị quyết 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó, đề cao vai trò của chính quyền địa phương. Theo đó, chính quyền địa phương vừa là "người nâng đỡ" vừa là "người bảo vệ" DN. Chính quyền địa phương cần hành động để cải cách hành chính theo yêu cầu của hội nhập, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, xây dựng các thể chế hỗ trợ DN tiếp cận thị trường nước ngoài, chủ động xem xét lựa chọn biện pháp hỗ trợ DN phù hợp với cam kết.
Từ đó, Ls. Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổng hợp được công thức: "Công cụ phù hợp + sáng kiến cải cách + sự chung tay của chính quyền, DN, XH = Năng lực cạnh tranh Quốc gia”.
Cũng tại đây, đại diện các tỉnh, thành cũng đưa ra kinh nghiệm qua các phiên thảo luận. Nổi bật là kinh nghiệm cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi cơ chế, chính sách của Đà Nẵng - thành phố có chỉ số PCI dẫn đầu cả nước.
Từ thực tiễn đã trải qua, Đà Nẵng chia sẻ các giải pháp nhằm cải thiện PCI như triển khai "chính quyền điện tử", khảo sát mức độ hài lòng của DN đối với dịch vụ hành chính công, thực hiện cơ chế "một cửa", hiện đại, đơn giản hóa công khai và minh bạch thủ tục hành chính…
Nhiều ý kiến tại Hội nghị đồng thuận rằng, thành công của Đà Nẵng rất đáng để các tỉnh thành trong khu vực ĐBSH nói riêng, cả nước nói chung học hỏi và thi đua trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh./.