Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã cho biết như vậy tại Hội nghị “Phát triển chăn nuôi gà giai đoạn 2015 - 2020”, do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức tại Hà Nội.
Cuộc họp đặt ra ba câu hỏi, ngành chăn nuôi gà hiện nay như thế nào? Làm gì để vững bước trong cuộc cạnh tranh quốc tế? Làm sao để tiếp tục góp phần tạo việc làm và thu nhập cho nông dân và cung cấp thực phẩm an toàn cho nhân dân?
Tồn tại hay không tồn tại?
Khi nhìn sang Thái Lan với nền công nghiệp chăn nuôi gà phát triển, vị “Tổng tư lệnh” ngành Nông nghiệp Việt đã phải thốt lên rằng: “Tôi rất đau lòng, tại sao hai nước bên cạnh nhau, cùng phong tục tập quán, một nước thì vật lộn và đang rất lo lắng ngành chăn nuôi gà sắp sụp đổ, còn một bên thì xuất khẩu sản phẩm thịt gà trên 4 tỷ USD/năm”, Bộ trưởng Cao Đức Phát lo lắng.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, vấn đề đặt ra của ngành chăn nuôi gà nước ta hiện nay không phải là vấn đề cạnh tranh như thế nào, mà là tồn tại hay không tồn tại trước các sản phẩm nhập khẩu khi gia nhập các hiệp định với các nước trên thế giới sắp tới.
Câu chuyện còn "nóng" lên nữa khi Bộ trưởng cho biết, mấy hôm nay dư luận đang rất xôn xao đùi gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam và được bán với giá chưa đến 20.000 đồng/kg. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của ngành chăn nuôi gà nước ta.
"Trông người lại ngẫm đến ta", theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ngành chăn nuôi gà Việt Nam quá bất cập với nhiều vấn đề tồn tại, mà trước tiên là giá gà trong nước quá cao.
Bộ trưởng đặt ra nhiều câu hỏi: “Tại sao một con gà giống ở Thái Lan chỉ có 0,3 USD, mà một con gà giống của Việt Nam là 0,6 USD? Vậy làm thế nào giảm giá gà giống Việt Nam xuống còn 0,3 USD? Tại sao chi phí sản xuất của Thái Lan chỉ có 1,2 USD, mà Việt Nam là 1,6 USD. Làm sao để giảm chi phí?”...
Bên cạnh đó, giá thức ăn tại Việt Nam ở mức trung bình so với các nước, tuy nhiên giá giống gà con vẫn còn nằm ở mức cao.
Đây cũng là quan điểm chung của các đại biểu tại hội thảo. Theo đó, ngoài nguyên nhân do giá giống cao, còn do chưa có bộ giống gà có năng suất cao; chất lượng con giống thấp, chi phí thức ăn, thuốc thú y cho 1kg khối lượng cao; chưa có hệ thống giết mổ công nghiệp hoàn chỉnh nên chi phí giết mổ cao. Đồng thời chi phí cho khâu trung gian còn nhiều; công nghệ chăn nuôi đại đa số còn lạc hậu.
Học tập qui trình, kỹ thuật của Thái Lan
Bộ trưởng nhấn mạnh, nhìn tổng thể ngành chăn nuôi gà Việt Nam khả năng cạnh tranh thấp và đang đứng trước nguy cơ cao là sẽ thua trên “sân nhà”. Do vậy, chúng ta cần cấp thiết nâng cao chất lượng ngành chăn nuôi, theo hướng nâng cao tỷ trọng sản xuất gà tăng hơn nữa, tiến tới xuất khẩu như Thái Lan.
“Vì vậy, tôi mạnh dạn đề nghị chúng ta phải hướng đến một ngành chăn nuôi gà của nước Việt Nam như của nước Thái Lan”, Bộ trưởng nói.
Trước mắt, Bộ trưởng “đặt hàng” với Cục Chăn nuôi và Cục Thú y xem xét, học tập quy trình sản xuất gà và chọn giống của Thái Lan. Bộ NN&PTNT cũng thống nhất với Thái Lan là hai bên sẽ ngồi với nhau, thống nhất về các vấn đề kỹ thuật để thực hiện theo cộng đồng kinh tế ASEAN tạo điều kiện để cho hàng hóa Thái Lan vào Việt Nam thuận lợi và ngược lại.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đã xác định một số giải pháp cấp thiết, trọng tâm cần thực hiện ngay sau hội nghị hôm nay. Đó là, đẩy mạnh chăn nuôi công nghiệp, trang trại và hỗ trợ chăn nuôi nông hộ. Đối với chăn nuôi nông hộ, Bộ NN&PTNT sẽ gấp rút triển khai chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ này bởi hiện nay cả nước có 70% chăn nuôi nông hộ.
Bộ trưởng nhấn mạnh, chỉ còn 4 tháng nữa là mở cửa 11 thị trường ASEAN, và một thời gian nữa là ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Nhật Bản… Để cạnh tranh với sản phẩm các nước đó, “chúng ta phải nâng cao trình độ công nghệ chăn nuôi nói chung, và trước đó là nâng cao chất lượng giống”.
Bộ trưởng đề nghị Cục chăn nuôi và các viện, trường: "Biết ở đâu giống tốt nhất, giới thiệu cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp không làm được thì Nhà nước sẽ làm theo con đường nhà nước. Khuyến khích nhập các giống gà tốt nhất, miễn là giống gà của Việt Nam không thua kém giống gà Thái Lan và Mỹ, Pháp… về năng suất, chất lượng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, tăng cường kiểm soát thức ăn chăn nuôi, chống dịch để giảm chi phí xuống thấp nhất để nâng cao chăn nuôi, tăng cường quản lý các chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi; tiếp tục rà lại các phí và lệ phí trong thú y.
Đối với tình huống gà Mỹ, cử đoàn đi Mỹ kiểm tra các cơ sở xuất khẩu xem sản phẩm có đúng nguồn gốc, đảm bảo ATTP theo đúng luật pháp của Việt Nam…./.