Đại diện các doanh nghiệp nhấn mạnh như vậy khi trao đổi tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư TP. Hà Nội năm 2015 do UBND Thành phố tổ chức, ngày 24/8.
Vẫn chậm giải phóng mặt bằng, cấp phép đầu tư
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, từ năm 2014 đến nay, Hà Nội đã công bố công khai mời gọi đầu tư danh mục 46 dự án có sử dụng đất. Và tại Hội nghị này, lần đầu tiên Thành phố công bố, giới thiệu cụ thể 11 dự án để thu hút đầu tư trên các lĩnh vực: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị.
Hiện Hà Nội đứng thứ 3/63 tỉnh về thu hút FDI và có xu hướng duy trì đều trong những năm gần đây. Lũy kế đến tháng 7/2015 có 3.209 dự án, vốn đăng ký 24,048 tỷ USD tập trung chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS), công nghiệp chế tạo, xây dựng, thông tin truyền thông, dịch vụ lưu trú ăn uống... Riêng trong 7 tháng 2015 có 162 dự án cấp mới (96,4 tỷ USD), 30 dự án tăng vốn (110,68 triệu USD).
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì thu hút FDI vào Hà Nội vẫn chưa như kỳ vọng, đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm vẫn chủ yếu là các dự án nhỏ, rất nhỏ trong các lĩnh vực dịch vụ...
Lý giải về điều này, ông Hoàng cho rằng: “Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước vì vậy giá tiền thuê đất của Hà Nội rất cao, chi phí ở Hà Nội cao hơn các tỉnh, thành khác, đó là cái khó của Hà Nội. Bên cạnh đó, đất Hà Nội là đất "vàng" nên công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng là câu chuyện khó khăn, vì vậy nhiều dự án chậm, ảnh hưởng đến thu hút FDI”.
Còn theo ông Kanatsu Masaki, đại diện Công ty TNHH AeonMall Việt Nam, hiện nay môi trường đầu tư của Hà Nội đã được cải thiện đáng kể so với 6 năm trước khi AeonMall mới vào. Tuy nhiên, xét về mặt bằng chung, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư của Hà Nội vẫn còn chậm. Cụ thể, các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh đơn giản và nhanh hơn ở Hà Nội.
Thu hút FDI cần dựa trên thế mạnh
Theo bà Kana Miyazaki, Phó trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Hội thì để có thể thành công vượt trội so với các tỉnh, thành trong việc thu hút FDI, Hà Nội phải thực hiện những điều mà chỉ Hà Nội mới làm được nhằm thu hút có chọn lọc các dự án phù hợp với định hướng phát triển của Thành phố.
Cụ thể như thu hút FDI theo hướng Xanh - Hàm lượng giá trị gia tăng, chất xám cao - Tỷ suất đầu tư lớn; tập trung vào lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao như y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng..., đảm bảo sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao mà Hà Nội vốn có lợi thế. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ hướng đến các động cơ khích lệ hấp dẫn và khác biệt này để đầu tư.
Còn theo ông Hoàng, để có thể thu hút mạnh FDI, Hà Nội cần tăng cường quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến đầu tư tại chỗ; giải quyết tốt vướng mắc trong khâu GPMB. Đẩy nhanh, rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư và các thủ tục liên quan khác để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư… Đặc biệt, đẩy mạnh việc giới thiệu các dự án thực sự thuận lợi, có tiềm năng để thu hút nhà đầu tư; thông qua các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty tư vấn... để quảng bá và kết nối đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, trao đổi, kết nối với các địa phương quanh Hà Nội về phối hợp trong công tác xúc tiến, quản lý FDI có tính lan tỏa, liên vùng.
Cũng tại Hội nghị, bà Kana Miyazaki đánh giá cao việc Hà Nội mới đây đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội, bởi việc này sẽ đóng vai trò quan trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, cũng như kết nối thương mại và quảng bá du lịch cho Thủ đô.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, trên cơ sở chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, Hà Nội sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực thế mạnh và sẽ ưu tiên các dự án đầu tư có quy mô lớn. Đặc biệt, Thành phố sẽ có chính sách ưu đãi nhằm thu hút có chọn lọc các dự án trong lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, tài chính, logistics, viễn thông, bán buôn, bán lẻ và văn hóa...
Vị lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan liên quan nắm bắt kịp thời những khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng để Thành phố tháo gỡ; xây dựng chính quyền Hà Nội thân thiện và đồng hành cùng DN.
"Hà Nội cam kết sẽ tạo lập môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, phù hợp tiến trình hội nhập quốc tế, thực hiện các giải pháp đồng bộ để nhanh chóng hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho các nhà đầu tư nhằm đẩy mạnh thu hút FDI”, Chủ tịch Hà Nội cam kết./.
Tại hội nghị, UBND TP. Hà Nội đã trao quyết định chấp thuận chủ đầu tư cho 4 dự án lớn gồm: Dự án “Khu chức năng đô thị thành phố xanh tại quận Nam từ Liêm”, dự án “Tòa nhà hỗn hợp siêu thị dịch vụ thương mại và căn hộ để ở tại khu đô thị Nam Trung Yên”, dự án "Khu đô thị Nam đường vành đai 3 tại quận Hoàng Mai" (giai đoạn 1) và dự án “Ralph Lauren Việt Nam”. |