DN lớn lại có hiệu suất kinh doanh kém nhất
Thời gian gần đây, Việt Nam đã và đang xúc tiến ký kết và thực thi nhiều hiệp định mở cửa thương mại quan trọng, là những FTA thế hệ mới với một loạt các đối tác thương mại hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU…, mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Phát biểu tại Diễn đàn, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá tính theo tỷ lệ thương mại/GDP, Việt Nam đã là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới. Xuất khẩu tăng mạnh, giỏ hàng hoá ngày càng đa dạng và các hiệp định thương mại trong tương lại là những cơ hội lớn cho tăng trưởng.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn bị tụt hậu ở một số khía cạnh. Nguồn vốn FDI là chất xúc tác quan trọng cho tăng trưởng và xuất khẩu nhưng tác động lan toả còn hạn chế. Các DN FDI chủ yếu hoạt động trong những ốc đảo, không có kết nối ngược với các DN Việt Nam. Khu vực DN tư nhân yếu kém về năng lực và quản lý. Điều đáng nói là phần lớn các DN tư nhân của Việt Nam còn quá nhỏ trong khi các DN lớn lại có hiệu suất kinh doanh kém nhất.
Để tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập, WB đề xuất cần hỗ trợ để có khu vực tư nhân cạnh tranh hơn. Theo đó, ưu tiên trước mắt là tăng năng suất của khu vực tư nhân trong nước bằng cách tập trung vào tự do hoá các thị trường yếu tố sản xuất, cụ thể là thị trường vốn và đất đai. Tăng cường các thể chế thị trường bao gồm: Quyền sở hữu tài sản; chính sách cạnh tranh và thực thi hiệu lực; các thể chế kinh tế vĩ mô như điều hành ngân sách, ngân hàng trung ương; tái cơ cấu DNNN.
DN cần có tổ chức đại diện mạnh, hiệu quả
Đánh giá về thực trạng DN Việt Nam trước quá trình hội nhập, ông Đậu Anh Tuấn Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, trong khi một loạt các hiệp định đã và sắp được ký kết đã mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho các DN, cũng như toàn bộ nền kinh tế thì có một thực tế đầy lo ngại, đó là những lợi ích tiềm tàng to lớn từ những hiệp định này chưa được hiện thực hóa bao nhiêu trên thực tế.
"Dường như DN Việt Nam sau hai thập kỷ hội nhập tính từ thời điểm gia nhập ASEAN đến nay vẫn đang loay hoay, lúng túng trong việc tìm ra cách thức để hội nhập hiệu quả", ông Tuấn đánh giá.
Tất nhiên lời giải cho bài toán này trước hết nằm ở DN, nhưng ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, sự hỗ trợ từ Nhà nước là rất cần thiết. Trong đó, 2 vấn đề lớn nhất mà DN đang rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước để hội nhập hiệu quả là cơ chế để có tổ chức đại diện mạnh và hiệu quả, và sự hỗ trợ hiệu quả về cung cấp thông tin.
Theo đó, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất cần sớm ban hành Luật về Hội, để tạo ra khung khổ pháp lý cho các hội, hiệp hội DN có thể hình thành thuận lợi, phát triển ổn định. Chuyển giao dần các dịch vụ công trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cho các hiệp hội DN.
Đồng thời, DN rất cần Nhà nước hỗ trợ thông tin, tư vấn cho DN trong các vấn đề liên quan tới cam kết hội nhập. Cụ thể là hỗ trợ về nguồn lực cho các đầu mối cung cấp thông tin; công khai minh bạch nhanh chóng và kịp thời các nội dung cam kết FTA tới người dân, DN (gắn với trách nhiệm cụ thể của các cơ quan); đặt ra cơ chế phối hợp bắt buộc giữa các cơ quan có chuyên môn với các đầu mối cung cấp thông tin, tư vấn cho DN như Trung tâm WTO – VCCI để kịp thời hỗ trợ DN….
Cần lực lượng “người lính kinh tế” đủ mạnh
Từ một góc độ khác, ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC) nhấn mạnh, việc tăng cường nguồn lực cho quá trình cải cách, hội nhập bằng việc tìm cách để tăng nguồn thu từ DN trên cơ sở phát triển 2 triệu DN hoạt động có hiệu quả, trong bối cảnh các nguồn lực cho chính sách cải cách kinh tế của Việt Nam còn mong manh.
Ông Đặng Đức Thành lý giải, kinh nghiệm thế giới cho thấy để nền kinh tế có thể cất cánh, các nước cần ít nhất đội ngũ DN tương đương trên 2% dân số. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có trên 800.000 DN được thành lập, nhưng chỉ có khoảng 400.000 DN hoạt động. Tỷ lệ này quá thấp so với dân số trên 90 triệu người và cũng quá thấp so với các nước, vùng lãnh thổ như Mỹ, Đài Loan, Thái Lan, Israel, Nhật…
Để phát triển lực lượng DN, ông Đặng Đức Thành đề xuất Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao… giảm bớt tín dụng cho khu vực DNNN. Ngân hàng phải thay đổi căn bản cách thức cho vay theo hướng cho vay chủ yếu theo quản lý dòng tiền, hình thức thế chấp chỉ xem là phụ. Đồng thời, cần xây dựng và hình thành một hệ thống chính sách kinh tế hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
“Nhà nước chỉ huy trận đánh kinh tế nhưng như “người tướng không có quân”, không có những người lính làm kinh tế. Nguồn gốc sâu xa của các bất ổn về kinh tế; về nợ công tăng; bội chi ngân sách hàng năm tăng… đó chính là bắt nguồn từ DN chưa đủ về cả số lượng lẫn chất lượng”, ông Đặng Đức Thành nói. /.