Từ đầu tháng 7/2015, giá xăng dầu trong nước đã giảm 4 lần liên tiếp, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải không chịu giảm giá cước. Trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá của DN nhưng sẽ giám sát chặt việc kê khai giá của DN, tránh tình trạng neo giá bất hợp lý.
PV: Bộ Tài chính vừa ban hành tiếp văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các địa phương yêu cầu DN vận tải kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu. Cơ sở của việc ban hành văn bản này là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Từ đầu năm 2015 đến nay, giá xăng dầu được điều hành linh hoạt theo cơ chế thị trường và qua theo dõi chúng tôi nhận thấy, xu hướng giảm là rõ rệt.
|
|
 |
Cùng với việc đề nghị Bộ GTVT với chức năng quản lý giá chuyên ngành chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan, yêu cầu các DN vận tải thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp, Bộ Tài chính cũng đề nghị các cơ quan này tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định.
|
 |

|
Ông Nguyễn Anh Tuấn
|
|
|
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng đã có 4 lần tăng giá, với tổng cộng là 5.040 đồng/lít và giảm 6 lần là 4.390 đồng/lít. Trong khi mặt hàng dầu điêzen, từ đầu năm mới chỉ tăng 2 lần với 1.210 đồng/lít và giảm tới 8 lần, tổng cộng 4.780 đồng/lít. Như vậy so với mức giá đầu năm, giá xăng hiện tại vẫn cao hơn 650 đồng/lít, nhưng mỗi lít dầu điêzen đã giảm tới 3.570 đồng.
Với tỷ lệ chi phí xăng dầu trung bình là khoảng từ 25-35% đối với xe chạy xăng và 35-45% đối với xe chạy dầu, nếu cố định các yếu tố đầu vào khác và chỉ tính riêng tác động của chi phí nhiên liệu, xu hướng giá xăng dầu như trên sẽ tác động tích cực đến thị trường nói chung, trong đó có thị trường vận tải bằng xe ô tô nói riêng.
Do đó, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GTVT với chức năng quản lý giá chuyên ngành chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan, yêu cầu các DN vận tải thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu đến giá cước vận tải.
Đồng thời, thực hiện rà soát chặt chẽ so với mức giá nhiên liệu của kỳ kê khai liền kề trước để hướng dẫn và yêu cầu DN vận tải thực hiện kê khai giá phù hợp.
PV: Trong trường hợp DN cố tình không chịu giảm, cơ quan quản lý có thể yêu cầu các DN này phải giảm giá hay không?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Nhà nước không áp đặt mức giảm cụ thể đối với các đơn vị kinh doanh vận tải bởi giá cước vận tải hình thành theo diễn biến thị trường. Việc xây dựng phương án giá và quy định giá là quyền của đơn vị kinh doanh. Đối với loại hình kinh doanh này, Nhà nước sử dụng biện pháp kê khai giá để giám sát giá cước của đơn vị.
Hơn nữa, nhiên liệu cũng chỉ là một trong những chi phí cấu thành nên cơ cấu giá cước vận tải. Vì ngoài chi phí nhiên liệu, giá cước còn bao gồm cả lương cho lái xe và cả quản lý, rồi khấu hao xe,…
PV: Vậy Bộ Tài chính sẽ có những giải pháp gì để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong phạm vi chức năng của mình, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; các bộ quản lý ngành chủ trì quản lý giá sản phẩm, dịch vụ có tính chuyên sâu của ngành mình; UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá tại địa phương theo quy định của pháp luật.
Do đó, cùng với việc đề nghị Bộ GTVT với chức năng quản lý giá chuyên ngành chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan, yêu cầu các DN vận tải thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp, Bộ Tài chính cũng đề nghị các cơ quan này tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định.
Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý cước vận tải, kể cả đối với trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị vận tải không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan (Công thương, Giáo dục, Y tế, Quản lý thị trường, Thuế, Công an, Hải quan...) tiếp tục tham mưu và triển khai tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn. Trong đó, có việc yêu cầu và giám sát chặt chẽ việc kê khai giảm giá cước đối với dịch vụ vận tải bằng xe ô tô.
PV: Xin cảm ơn ông!