Đây là quan điểm được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu năm 2015 tổ chức ngày 27/8, tại Thanh Hoá.
“Doanh nghiệp chênh vênh trên chiếc cầu khỉ”
Theo chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược: "Xét trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nước đứng đầu về tốc độ đàm phán, ký kết các FTA. Số lượng FTA Việt Nam đã ký kết nhiều tương đương Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của chúng ta đang không theo kịp. Chúng ta mới chú trọng về hội nhập ký kết, còn đổi mới bên trong thì chậm trễ, chưa làm được bao nhiêu".
Lấy ví dụ về việc thu hút FDI, ông Võ Đại Lược nhận xét chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đang thiếu kiểm soát, thiếu chọn lọc về các ưu đãi với FDI. “Trong hội nhập, chúng ta thu hút FDI tốt, nhưng 80% FDI là của châu Á. Mà kinh nghiệm của Singapore là không coi đầu tư từ châu Á là đầu tư nước ngoài. Các tỉnh mở cửa nhiều, trải thảm đỏ cho họ, nhưng ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng không chuyển giao công nghệ, mà chỉ lắp ráp, tận dụng ưu đãi đầu tư”.
So sánh “doanh nghiệp Việt Nam hội nhập chênh vênh như đang đi trên chiếc cầu khỉ”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu CIEM nhận xét doanh nghiệp chỉ lo sao cho khỏi trượt ngã chứ không thể tiến xa.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, vấn đề mấu chốt trong lần cải cách này là cải cách thể chế, bộ máy. Nếu cơ cấu tổ chức, năng lực quản lý không thay đổi, động lực làm việc không thay đổi thì đó chính là cản trở với hội nhập.
Đàm phán nhanh, cải cách chưa theo kịp
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng: "Chúng ta mới chú trọng nhiều vào đàm phán hội nhập với bên ngoài. Từ năm 2011 đến nay, chúng ta đã đàm phán 6 hiệp định, với nhiều đối tác lớn trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, sự phản ứng trong nước là không phù hợp". Theo điều tra, có 76% DN không biết gì về cộng đồng kinh tế ASEAN, 60% cho rằng cộng đồng kinh tế ASEAN không ảnh hưởng gì đến họ. Nhiều quan chức quản lý cũng không có nhận thức đủ về hội nhập ASEAN. Trong khi đó sự hội nhập vào ASEAN là đơn giản hơn nhiều so với các thoả thuận với nước lớn như Mỹ, EU, Nga…
Bài học từ việc gia nhập WTO cũng được các chuyên gia nêu ra để minh chứng cho việc chuẩn bị hội nhập không tương xứng. Mặc dù sau khi gia nhập, chúng ta đã có chương trình hành động cụ thể, nhưng kết quả không thực hiện được bao nhiêu. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, WTO là bài học lớn của chúng ta, khi chưa có đủ năng lực, sức cạnh tranh, cuối cùng “cơ hội đã biến thành thách thức”.
“Cứ khi nào chúng ta không còn đường lùi, thực sự triệt để hội nhập là thắng, còn lần nào rụt rè là không hiệu quả. Bài học vô cùng quan trọng là lần này chuẩn bị cho hội nhập như thế nào, tránh việc người đàm phán cứ đàm phán, ai ở nhà cứ ở nhà”, TS. Trần Đình Thiên nói.
Đánh giá về những kết quả đàm phán hội nhập, TS. Trần Du Lịch cho rằng “có cả phúc và hoạ”. Để hội nhập thành công, nên mở cửa bên trong trước khi mở cửa bên ngoài. Nếu bên trong mở cửa chưa mạnh mà lại mở cửa bên ngoài thì sẽ rơi vào bẫy tự do thương mại. Còn để đổi mới từ bên trong thì phải tập trung cải cách thể chế, có chính sách phù hợp, chẳng hạn như các hàng rào phi thuế quan để thay thế việc dỡ bỏ hàng rào thuế.
Hơn nữa, với những biến động của tình hình thế giới hiện nay, việc chủ động, tích cực cải cách thể chế là điều không tránh khỏi để tránh bị tụt hậu. Dù hội nhập hay không chúng ta vẫn phải đổi mới. “Việc ký kết các FTA là thời cơ để chúng ta chuyên nghiệp hơn. Việt Nam đã đến lúc bắt tay vào việc tham gia, xây dựng luật chơi với thế giới và điều này đỏi hỏi phải có nhiều người Việt Nam tham gia vào các tổ chức quốc tế hơn”, TS. Võ Trí Thành nhận định./.