Nhận định về ngành chăn nuôi trước hội nhập, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã cho biết như vậy tại Hội thảo “Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) lên ngành chăn nuôi tại Việt Nam”, do Liên minh Nông nghiệp và Diễn đàn Chính sách nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 9.9.2015, tại Hà Nội.
PV: Ông có thể đánh giá những tác động của các hiệp định TPP và AEC đến ngành chăn nuôi của Việt Nam?
Ông Nguyễn Đức Thành: Trong tiến trình hội nhập sắp tới, theo đánh giá của chúng tôi, TPP có tác động lớn hơn rất nhiều so với AEC. AEC có những ảnh hưởng mạnh ở khía cạnh các nước trong khu vực ASEAN cũng tương đối giống với Việt Nam, vì thế sự cạnh tranh sẽ có sự tương đồng. Đối với TPP, sẽ có những ảnh hưởng rất đa dạng và khác nhau bởi các nước thành viên trong TPP có thế mạnh rất khác. Vì thế khả năng thay thế và cạnh tranh của họ đến nền kinh tế hàng hóa của Việt Nam rất nhiều.
|
|
 |
Về cơ bản ngành chăn nuôi của Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn và có khuynh hướng bị thu hẹp vì sự cạnh tranh và nguồn cung ứng lớn trong tương lai từ các nước như Mỹ, Úc, New Zealand… |
 |
|
Ông Nguyễn Đức Thành
|
|
|
Riêng đối với ngành chăn nuôi, theo phân tích của chúng tôi, có những nước lớn như Mỹ, Úc, New Zealand…có nền nông nghiệp rất mạnh, vì thế họ có khả năng tác động làm thay đổi cấu trúc thị trường trong toàn bộ khối TPP nói chung và ảnh hưởng đến cấu trúc ngành chăn nuôi của các nước khác và ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng.
Chúng tôi thấy rằng về cơ bản ngành chăn nuôi của Việt Nam đều đứng trước thách thức lớn và có khuynh hướng bị thu hẹp vì sự cạnh tranh và nguồn cung ứng lớn trong tương lai từ các nước như Mỹ, Úc, New Zealand…
Ví dụ như mặt hàng sữa, thịt bò, thịt lợn… là những ngành hàng chính bị ảnh hưởng; ngành gia cầm bị ảnh hưởng ít hơn. Vì thế các DN trong các ngành này sẽ phải chịu sự ảnh hưởng lớn và tương đối đột ngột.
PV: Có ý kiến cho rằng, đối với TPP, ngành chăn nuôi là yếu thế nhất. Ông có nhận định gì về điều này?
Ông Nguyễn Đức Thành: Cấu trúc chung của thị trường chăn nuôi hiện nay là rất nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào các hộ gia đình, quy mô manh mún. Bên cạnh đó, sự can thiệp, xâm nhập của các DN vào ngành này còn rất non trẻ và mới, quy mô chưa lớn. Trong khi đó, DN mới là nơi có thể kết nối đầu vào, đầu ra, nguồn lực và nắm bắt được thị trường để mang tính chủ động hơn. Tuy nhiên hiện nay, các DN quy mô còn nhỏ, DN nhà nước thì phản ứng còn chậm chạp, chưa kể cấu trúc sở hữu về đất đai như nông trường cũ cũng chưa chuyển đổi được hết. Đó là những khó khăn rất lớn khiến ngành chăn nuôi yếu thế.
Không những vậy, về cấu trúc thị trường kinh doanh, đầu vào của chúng ta không “tự chủ”, còn bị lấn át bởi các DN đến từ nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan…trong khi đó, đầu ra bị cạnh tranh khốc liệt. Chúng ta chỉ cầm cự được thị trường trong nước, thậm chí sắp tới thị trường trong nước còn bị lấn át rất nhiều.
PV: Thưa ông, hiện nay các hộ gia đình trực tiếp sản xuất ra sản phẩm chăn nuôi gần như không biết gì về TPP và không biết nhiều về tác động đó. Ông có nhận định gì về điều này?
Ông Nguyễn Đức Thành: Thực tế rất đáng tiếc, không chỉ những gia đình nhỏ lẻ, hộ nông dân hầu như không có thông tin gì về TPP mà ngay cả DN vẫn còn mù mờ và chưa hình dung hết về TPP và những tác động sắp tới của TPP. Đây là một hiệp định có sự thay đổi rất mạnh đến tương lai kinh tế của Việt Nam.
Đối với các hộ gia đình, các nông trại nhỏ, họ không có thông tin và không nắm bắt được chuyển động sắp tới như sự thay đổi về giá cả, thị trường lên xuống. Vì thế mới xảy ra hiện tượng đáng tiếc như vấn đề đổ sữa ra đường của các hộ nông dân thời gian qua…
PV: Đầu năm 2016, TPP có thể được ký kết, ông có kỳ vọng ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ khởi sắc?
Ông Nguyễn Đức Thành: Tôi cho rằng thị trường chăn nuôi sẽ ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Ngành chăn nuôi phải rất thận trọng nếu không chúng ta sẽ bị lấn át rất nhiều. Sự khởi sắc hay thuận lợi có thể có ở khía cạnh như nguồn nguyên liệu hay thị trường sẽ được mở rộng ra.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi có thể phải đối diện với thực trạng phải thu hẹp lại và ngành nông nghiệp cũng phải chuyển hướng mạnh hơn. Đây là định hướng và chúng ta phải có ý thức để chuẩn bị tinh thần. Muốn tồn tại tốt hơn trong thời gian tới, ngành chăn nuôi cần có cải cách về thể chế, tổ chức người nông dân trong sản xuất và các DN trong chuỗi giá trị ngành chăn nuôi.
P.V: Xin cảm ơn ông!