Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, giá cả các loại hàng hóa trong ngày mùng 4 Tết sẽ không có biến động nhiều so với ngày mùng 3 Tết, trong đó giá một số loại rau, hoa quả có thể giảm do lượng cung tăng. Riêng dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống, đồ lễ thắp hương có thể vẫn tiếp tục ở mức cao do số lượng người dân đi du xuân đầu năm và đi lễ tăng cao.
Theo tổng hợp từ Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, trong ngày Mùng 3 Tết, nhu cầu mua sắm của người dân chưa nhiều, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng rau, củ, quả, một số loại thực phẩm tươi sống, hoa tươi và các mặt hàng phục vụ cúng lễ làm cơm hóa vàng tại các gia đình.
Theo các tiểu thương, năm nay người dân vẫn tiếp tục xu hướng “Vui tết đầm ấm, an toàn và tiết kiệm” nên sức mua trong Tết không tăng. Nhìn chung, giá cả các loại thực phẩm tươi sống trong những ngày tết tương đối ổn định, không có nhiều mặt hàng tăng giá đột biến, đặc biệt không có tình trạng khan hàng, đầu cơ tăng giá. Riêng giá một số dịch vụ như trông giữ xe và vé vào khu vui chơi tăng so với thời điểm trước Tết.
Tại bến xe khách ở một số thành phố lớn, một số đầu tuyến cố định đã hoạt động trở lại bình thường, lượng khách đi đã bắt đầu đông hơn những ngày trước đó, giá vé 2 đầu tuyến đều ổn định so với các ngày trước Tết.
 |
Giá bán các mặt hàng rau củ, trái cây đang có xu hướng giảm nhẹ. Ảnh T.L minh họa
|
Cũng theo tổng hợp từ cơ quan quản lý giá, tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong ngày mùng 3 Tết, lượng hàng nhập chợ đầu mối chỉ bằng 20% - 32% so ngày thường, chủ yếu là các mặt hàng rau, củ và trái cây. Giá cả các mặt hàng đa số theo xu hướng giảm lại về mức giá ngày thường, sức mua bán tăng so với ngày trước nhưng vẫn còn tương đối chậm, riêng một số mặt hàng giá tăng do lượng hàng về ít nhưng nhu cầu tăng.
Cụ thể, tại chợ đầu mối Hóc Môn hiện vẫn chưa kinh doanh mặt hàng thịt gia súc, chỉ kinh doanh mặt hàng rau củ và trái cây với sản lượng nhập chợ 825 tấn, bằng khoảng 32% lượng so ngày thường và tăng 5% so cùng kỳ năm trước, hiện có 91 sạp mở cửa hoạt động. Sức mua tại chợ vẫn ở mức thấp, giá bán các mặt hàng giảm mạnh như bầu, bí và các loại rau ăn lá… so với những ngày cao điểm trước Tết và đã về lại hoặc thấp hơn giá ngày thường.
Tại chợ đầu mối Thủ Đức, tổng lượng hàng nhập chợ khoảng 748,8 tấn, giảm 72 tấn (8,8%) so ngày trước và giảm 28% so cùng kỳ năm trước, bằng gần 20% so với ngày thường. Giá bán một số mặt hàng rau củ và trái cây như bó xôi, cải xanh, củ cải trắng,dưa leo, đậu côve, xà lách búp, bưởi da xanh, bưởi năm roi giảm 15% - 29%, riêng khổ qua giá giảm 44% trong khi bí xanh, cà rốt, mãng cầu tròn, quýt tiều, xoài cát Hòa Lộc…giá tăng 40% - 67% do lượng hàng về ít nhưng nhu cầu lại tăng.
Tại chợ Bình Điền, tổng lượng hàng hóa về chợ khoảng 275 tấn, giảm 218 tấn (44%) so ngày trước và giảm 33% so sản lượng cùng kỳ năm trước, hiện có 40% ô vựa đã mở cửa kinh doanh, sức mua, bán vẫn còn thấp. Giá cả các mặt hàng tương đối ổn định so trước Tết, một số mặt hàng giá tăng lúc cận Tết nay giá đã giảm lại mức ngày thường.
Tại các chợ lẻ, các tiểu thương đã kinh doanh trở lại, sức mua đã tăng khoảng 30 - 50% so với ngày trước. Giá một số mặt hàng rau củ quả tăng do lượng hàng về ít trong khi nhu cầu tăng; mặt hàng thịt gia súc, gia cầm giá đứng hoặc giảm nhẹ so ngày trước.
Cùng chung không khí tết, tại Thủ đô Hà Nội, các siêu thị hầu hết đều đóng cửa, chỉ có một số ít những người buôn bán nhỏ lẻ vài mặt hàng hoặc một vài đại lý bày bán các túi quà tết, đồ cúng lễ. Mùng 3 Tết nhiều cửa hàng mở cửa lấy ngày trong buổi sáng. Tuy nhiên, hoạt động mua sắm không nhiều.
Trong đó, các chợ đầu mối lớn như Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, ngày Mùng 3 Tết đã trở lại hoạt động bình thường, nguồn cung hàng hóa vẫn đảm bảo đáp ứng đủ người dân, không có sự biến động lớn về giá. Một số mặt hàng về hoa tươi như hoa ly, hoa lay-ơn ít người bán và giá có tăng nhẹ từ 10.000-20.000 đ/chục, có một vài hàng cá tươi bày bán những cũng rất ít người mua do nhu cầu đi chơi tết của người dân còn nhiều. Các mặt hàng về đồ uống giá vẫn không thay đổi so với những ngày trước Tết.
Chợ Cát Linh, quận Đống Đa: Giá các mặt hàng tương đối ổn định, riêng mặt hàng rau củ, quả tăng 1.500 - 3.000đ/kg tùy loại.
Chợ Cống Vị, quận Ba Đình, giá cả các mặt hàng ngày Mùng 3 Tết có biến động, nhiều mặt hàng giảm so với kỳ trước, cụ thể: thịt bò thăn 310.000 đồng/kg (giảm 20.000 đồng/kg); giò bò loại 1kg 260.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg); cá chép, cá trắm 110.000-120.000 đồng/kg (giảm 10.000 đ/kg); cà rốt 12.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng/kg); hoa cúc, 50.000-80.000 đồng/chục (giảm 10.000-20.000 đồng/chục).
Chợ Ngọc Hà, quận Ba Đình, chợ chính đóng cửa ngày Mùng 3 Tết song bên ngoài chợ tiếp tục có thêm nhiều cá nhân mở hàng bán thịt, rau, cá. Giá thịt lợn,rau giảm; giá hoa quả ổn định so với ngày mùng 2 nhưng vẫn cao hơn ngày thường.
Tại chợ Thổ Quan, Khâm Thiên đã hoạt động trở lại, tuy nhiên chủ yếu là thực phẩm tươi sống, rau xanh và hoa tươi. Nguồn cung dồi dào, không có hiện tượng khan hàng. Giá hoa ly 70.000 đồng/chục, hoa cúc 40.000 đồng/chục.
Cũng theo tổng hợp từ cơ quan quản lý giá, tại nhiều địa phương khác như Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Khánh Hòa, Hải Phòng…, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho nhu cầu Tết năm nay vẫn giữ giá cả ổn định, chưa có tình trạng giá cả tăng đột biến gây bất ổn thị trường.
Tuy nhiên tại Bà Rịa – Vũng Tàu, các mặt hàng hải sản tăng giá từ 10-20% do ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới khiến nguồn cung giảm mạnh và nhu cầu mua hàng làm quà biếu ngày càng nhiều. Còn tại Hải Phòng, một số mặt hàng thực phẩm như cá, thịt bò và rau xanh các loại (mùng 2, 3 tết) tăng cao từ 15% - 30%, đặc biệt giá rau xanh tăng cao gấp 1,5 đến 2 lần so trước tết do tình hình thời tiết ảnh hưởng đến việc trồng trọt và thu hoạch của người dân, mặt khác nhu cầu mua mặt hàng này cũng tăng hơn so bình thường.
Ngoài ra, tại một số địa phương còn có cây cảnh, hoa tươi tăng khoảng 20 - 30% so với Tết năm 2016 do tác động của thời tiết và mưa lụt thất thường đã làm giảm sản lượng hoa kiểng cung ứng ra thị trường. Nguồn cung hầu hết rau, củ dồi dào nên giá cả cơ bản ổn định, không biến động mạnh.
Trong ngày Mùng 3 Tết, bến xe khách ở một số thành phố lớn và một số đầu tuyến cố định đã hoạt động trở lại, một số tuyến có áp dụng giá vé phụ thu khoảng 30 - 60%, áp dụng trước, trong và sau Tết. Đơn cử như các tuyến từ Bà Rịa - Vũng Tàu đi các tỉnh đều đề xuất phụ thu 60% từ ngày 12/01/2017 đến hết ngày 12/02/2017, tùy từng tuyến. Riêng tuyến Vũng Tàu/Bà Rịa đi TP Hồ Chí Minh đề nghị phụ thu 40% từ ngày 26 Tháng Chạp đến hết ngày 09 Tết, thống nhất như đầu Bến xe Miền Đông (TPHCM).
Tại Khánh Hòa, giá cước vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, giá cước vận tải hành khách theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô, các doanh nghiệp cũng kê khai phụ thu từ 20% - 60% kể từ ngày 09/01 đến ngày 06/02/2017 để tăng cường chuyến và bù đắp chi phí phương tiện chạy rỗng một chiều.
Trong khi đó, tại Hải Phòng, giá cước vận chuyển không chênh lệch nhiều so trước tết, cước taxi từ 8.500đ/km – 11.000đ/km tùy từng loại xe, cước vận chuyển hàng khách đường dài: Hải Phòng – Hà Nội 75.000đ/vé – 85.000đ/vé, Hải Phòng – Nghệ An: 200.000đ/vé – 300.000đ/vé.
Phí trông giữ xe máy, đạp, ô tô tại Hải Phòng tăng so với ngày trước Tết từ 5.000 đồng – 10.000đồng/xe: phí trông xe đạp: 10.000 đồng/xe, xe máy: 15.000 đồng/xe, xe ô tô từ 20.000-30.000 đồng/xe./.