Do vậy, theo Công ty Chứng khoán Maybank KingEng, các doanh nghiệp thép có biên lợi nhuận mỏng có thể kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến.
Cũng theo Công ty này, giá bán thép cải thiện còn đến từ 2 yếu tố khác là nhu cầu tiêu thụ tăng và sự hỗ trợ từ các loại thuế tự vệ thương mại đối với các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian qua.
Cùng với đó, năm 2017, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo tăng trưởng ngành Thép sẽ đạt khoảng 12%, mức này cũng được xem là khả thi cho các năm tới. Thị trường bất động sản hồi phục và sự phát triển cơ sở hạ tầng là những yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép gia tăng.
Bên cạnh đó, triển vọng chung đối với giá thép thế giới nhìn chung vẫn đang khá lạc quan, chủ yếu đến từ việc kỳ vọng Trung Quốc (quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới) cắt giảm sản lượng, trước áp lực dư cung cũng như ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, theo Maybank KingEng, ngành Thép không phải không có những khó khăn phải đối mặt. Khác với năm 2016, giá nguyên liệu thép trong thời gian gần đây tăng nhanh và mạnh hơn. Điều này có thể làm gia tăng rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn, hoặc những biến động với biên độ lớn hơn có thể xảy ra đối với giá nguyên liệu trong 2017. Do vậy, nếu quản trị tồn kho không tốt, thì đây là rủi ro đáng chú ý.
Mặt khác, áp lực cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc vẫn đang hiện hữu, do mức độ cắt giảm sản lượng thực tế vẫn chưa cao, cùng với đó là thép Trung Quốc đang chịu sức ép lớn tại các thị trường lớn, đặc biệt gần đây là Mỹ, khi liên tiếp bị áp các loại thuế chống bán phá giá trong thời gian qua./.