Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại tọa đàm “Thực trạng phát triển và khung pháp lý kiểm soát thị trường TPCN”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức, chiều ngày 26/9, tại Hà Nội.
“Vàng thau lẫn lộn” trong thị trường TPCN
Ông Phạm Hưng Củng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm TPCN của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam, thì đến nay cả nước đã có tới 4.190 DN tham gia sản xuất và kinh doanh, với khoảng 10.930 sản phẩm đang lưu hành.
Cùng với sự phát triển nhanh về cơ sở sản xuất TPCN, tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm TPCN cũng tăng cao. Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ người dân sử dụng TPCN là 43%, còn ở Hà Nội, tỷ lệ này lên đến 68,1%.
Từ những số liệu thống kê trên cho thấy, thị trường TPCN của Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành thị trường hấp dẫn với DN trong và ngoài nước, thu hút nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Cùng chung quan điểm trên, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Dio Cosmetics, mặc dù thị trường TPCN đang phát triển mạnh, song chất lượng là vấn đề vẫn còn bị “bỏ ngỏ” và còn nhiều điều quan ngại. Bởi theo ông Tuấn, bên cạnh những DN sản xuất, kinh doanh chân chính, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, thì vẫn còn một số lượng không nhỏ những DN, cơ sở sản xuất sẵn sàng làm ăn chụp giật, bất chấp quy định pháp luật bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí còn trà trộn chất cấm để thu lợi bất chính.
Đặc biệt, còn tồn tại khá phổ biến tình trạng nhiều sản phẩm TPCN được DN không ngần ngại “thổi phồng” về công dụng, tính năng của sản phẩm dù thực tế không phải như vậy, gây tổn thất và thiệt hại tới sức khỏe người tiêu dùng.
|
Ảnh: Thiện Trần
|
Bà Nguyễn Minh Châu – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ mỹ phẩm Ruby’s World cũng cho rằng, hiện nay, đang tồn tại thực trạng gây khó khăn đối với những DN sản xuất kinh doanh chân chính là không thể cạnh tranh về giá với những đơn vị bán sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng. Thực tế, những sản phẩm không rõ nguồn gốc được bán với giá rất rẻ nên được nhiều người, nhất là đối tượng có thu nhập trung bình và thấp ưa chuộng lựa chọn.
Quan trọng hơn, những sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng được bày bán tràn lan trên thị trường, khi bị các cơ quan chức năng phát hiện xử lý sẽ khiến người tiêu dùng có tâm lý nghi ngại khi sử dụng những sản phẩm cùng chủng loại, kể cả của các DN sản xuất kinh doanh chân chính. Điều này gây khó khăn, ảnh hưởng lớn cho những DN chân chính.
Tăng cường chế tài mạnh
Lý giải nguyên nhân của tình trạng “bát nháo” trong thị trường TPCN, theo ý kiến của các chuyên gia tại tọa đàm, một mặt do ý thức tuân thủ quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh của một bộ phận DN, cơ sở sản xuất chưa cao. Nhiều vụ phát hiện và thu giữ sản phẩm TPCN vi phạm gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả TPCN rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng.
Bên cạnh đó, việc quản lý mặt hàng TPCN còn khá lỏng lẻo, công tác thanh kiểm tra chưa bắt kịp thực tế. Cùng với đó, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ mạnh để đủ sức răn đe đối với những DN, cơ sở sản xuất kém chất lượng.
Trước thực trạng trên, ông Trần Văn Châu – đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, để tăng cường quản lý thị trường TPCN, giúp thị trường phát triển minh bạch và lành mạnh, đồng thời đảm bảo quyền lợi của DN và người tiêu dùng, ngày 2/2/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Theo đó, Nghị định 15 quy định, kể từ ngày 1/7/2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải áp dụng Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Như vậy có nghĩa, nếu sau ngày 1/7/2019, các đơn vị sản xuất TPCN không đạt tiêu chuẩn GMP, sản phẩm không được cấp chứng nhận GMP thì sẽ không được phép tiếp tục sản xuất.
“Với việc áp dụng tiêu chuẩn GMP thì tình trạng làm ăn gian dối, đưa chất này chất kia vào trong TPCN sẽ bị loại bỏ hay tình trạng cơ sở sản xuất chỉ mấy m2 cũng sản xuất được TPCN sẽ được chấm dứt để tạo thị trường lành mạnh” - ông Châu nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Hưng Củng cũng cho rằng, Nghị định 15 sẽ mở ra cơ hội cho các DN sản xuất, kinh doanh TPCN. Bởi, DN muốn phát triển bền vững, muốn sản xuất ra những sản phẩm an toàn, chất lượng thì phải hướng đến sản xuất theo những tiêu chuẩn rất khắt khe.
Hơn thế nữa, nếu DN không đáp ứng được tiêu chuẩn GMP có nghĩa DN không thể xuất khẩu sang các thị trường khác thuộc ASEAN, chưa nói đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn tại các thị trường như Mỹ, châu Âu...
“Việc xây dựng GMP là cơ hội lớn và thách thức để hoàn thiện sân chơi chung cho các DN, nên ngay từ bây giờ, các DN cần "xắn quần để đi". Khi áp dụng tiêu chí GMP chắc chắn những DN yếu kém sẽ tự đào thải, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Đặc biệt sắp tới khi Quốc hội phê chuẩn thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sân chơi này sẽ càng khắc nghiệt hơn nữa. Do đó, các DN cần phải tự thay đổi mình để đứng vững trong cuộc chơi đầy cạnh tranh này” - ông Nguyễn Văn Lợi – đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế khuyến nghị./.