Ba lực cản phát triển DN nông nghiệp
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay cả nước có hơn 49.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Tuy nhiên, số DN trực tiếp sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 1% tổng số DN, tương đương 7.600 DN; còn lại là các DN trong chuỗi các ngành liên quan đến nông nghiệp như chế biến hàng; cung cấp nguyên liệu đầu vào, DN dịch vụ thương mại...
Số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây cũng cho thấy, trong các ngành nghề có số DN mới giảm so với cùng kỳ năm trước thì các DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã giảm 6,6%. Con số này đã lần nữa nói lên việc hình thành và phát triển DN nông nghiệp vẫn đang gặp khó khăn.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), những bất cập, khó khăn này có thể nhìn ba nhóm vấn đề. Trước tiên, môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi. Ví dụ, riêng về kiểm tra chuyên ngành, hiện nay có khoảng 300 văn bản được ban hành, thực thi bởi ít nhất 10 bộ chuyên ngành khác nhau.
Cùng với đó, cách thức quản lý nhà nước của các bộ, ngành chưa hiện đại, còn dựa nhiều vào cách quản lý “tiền kiểm”; tính ổn định của các văn bản luật chưa cao, trung bình khoảng 8 - 10 năm là phải sửa đổi, điều chỉnh một lần…
Việc thực hiện các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không cần thiết luôn gây khó khăn, phiền hà, tốn kém về chi phí cho DN (kể cả chi phí không chính thức). Theo CIEM, hiện nay chưa có số liệu đánh giá riêng cho khu vực DN nông nghiệp nhưng thông qua Báo cáo môi trường kinh doanh của WB và Báo cáo PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phần nào thấy được khó khăn này.
Cụ thể, theo báo cáo PCI năm 2017 của VCCI, có tới 45% DN có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng có cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ các quy định pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức. Mức chi trả cho các khoản không chính thức phần lớn là dưới 1% thu nhập hàng năm của DN, đặc biệt có tới 2,6% DN phải chi trả trên 10% thu nhập DN.
Bên cạnh đó, quá trình đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn DN phải sử dụng nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó có 2 nguồn lực quan trọng là đất đai và nguồn vốn. Tuy nhiên, DN còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với cả 2 nguồn lực này.
Không những vậy, sự hỗ trợ của chính quyền chưa đủ mạnh. Hiện nay, chính quyền địa phương nhiều nơi đang quá tập trung thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hơn là thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; chưa có nhiều địa phương ban hành chính sách thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Sau 3 năm thực hiện Nghị định 210/213/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn cho thấy, đến năm 2017, cả nước mới triển khai được 64 dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn với tổng mức đầu tư là 6.400 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ từ ngân sách chiếm 5,9%.
Nguyên nhân chính là các địa phương chưa thực sự vào cuộc dẫn đến việc bố trí vốn hỗ trợ ít, thậm chí vốn trung ương giao về cho các địa phương nhưng địa phương không bố trí hỗ trợ DN.
Cần tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh
Để thu hút nhiều hơn DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, theo TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, thời gian tới cần phải tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính (TTHC) để cải thiện môi trường kinh doanh như bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia những năm tiếp theo…
Ngoài ra còn có một số nội dung cụ thể phải thực hiện liên quan trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp như sửa đổi các quy định về xếp loại DN và sản phẩm trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với thủy sản nhập khẩu.
Đồng thời, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa theo hướng nâng cao tỷ lệ thực hiện tại chỗ việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả bảo đảm tại Trung tâm phục vụ hành chính công thực hiện tại chỗ đối với tối thiếu 20% TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ; tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện thực hiện tại chỗ đối với tối thiểu 50% TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ.
Cùng với đó, tạo điều kiện để DN tiếp cận thuận lợi đối với một số nguồn lực quan trọng là đất nông nghiệp và vốn.
Đối với nguồn lực đất đai, TS. Nguyễn Đình Cung kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Chính phủ sửa đổi một số nội dung trong Luật Đất đai năm 2013 cho phù hợp với xu hướng ngày càng có nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao. Ví dụ, cho phép DN được quyền nhận chuyển nhượng có điều kiện quyền sử dụng tất cả các loại đất nông nghiệp từ các hộ gia đình; cho phép DN tích tụ và tập trung ruộng đất quy mô lớn có thể từ 100ha trở lên…
Về nguồn vốn tín dụng, vị tiến sĩ này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí tăng nguồn vốn, cắt giảm một số thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Cụ thể, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp.
Song song đó, địa phương cần có quy hoạch thành vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn để xây dựng hạ tầng thu hút DN…/.