Đây là chia sẻ của bà Vũ Thị Vân Phượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP VietRAP đầu tư thương mại về những khó khăn trong thực tế hoạt động của DN trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như kinh nghiệm, giải pháp để DN có thể tồn tại và phát triển.
PV: Sản xuất nông nghiệp vốn là lĩnh vực nhiều rủi ro, từ thực tế hoạt động của DN mình, xin bà cho biết đâu là những khó khăn mà DN phải đối mặt?
Bà Vũ Thị Vân Phượng: Đúng là sản xuất nông nghiệp có nhiều rủi ro, từ thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu cho đến thị trường, đầu ra. Nhưng với sự chủ động, ứng dụng công nghệ mới, chúng tôi đang dần khắc phục được vấn đề này. Cách mạng công nghệ đã mang đến nhiều phương tiện hỗ trợ để DN có thể giảm thiểu rủi ro. Còn về thị trường, chỉ có thương lái mới sợ giá cả trồi sụt, bản thân các DN đã tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp thì chủ động được đầu ra bằng các cam kết, hợp đồng với các đối tác trong và ngoài nước, nên việc đó cũng không quá lo. Điều chúng tôi lo ngại nhất, là chúng tôi không biết mình đang ở đâu, đi với ai, để kết nối tăng sức mạnh.
Có người đã ví von các DN nhỏ, siêu nhỏ Việt Nam như một hạm đội thuyền thúng, muốn ra khơi thì vừa chịu sóng từ ngoài đánh vào và từ trong đánh ra, do đó bắt buộc phải có sự liên kết để không bị chìm. Chính vì thiếu sự kết nối mà rất nhiều DN nhỏ không thể lớn mạnh.
Những năm gần đây, các DN nông nghiệp được đề cập đến nhiều với những chính sách, hỗ trợ rất tích cực, tái cơ cấu ngành nông nghiệp rất được quan tâm. Nhưng khối DN tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như chưa được nhắc đến, chưa có Hiệp hội cụ thể nào cho DN tư nhân trong nông nghiệp, những DN nhỏ, trưởng thành từ hộ nông dân, hợp tác xã rất bơ vơ, không biết đang ở đâu, bắt đầu như thế nào…
PV: Nhiều DN cũng đề cập đến việc DN nông nghiệp rất khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng. Bà đánh giá thế nào về vấn đề này?
Bà Vũ Thị Vân Phượng: Điều này là thực tế rất đáng tiếc. Như công ty VietRAP chúng tôi, sau 8 năm phát triển, đã xuất khẩu đi thị trường các nước, đến giờ này hồ sơ vay vốn ngân hàng vẫn bằng không. Đây là điều đáng buồn với một DN làm kinh tế, bởi nếu không tiếp cận được nguồn vốn thì DN cứ nhỏ mãi, không thể lớn mạnh. Nguồn vốn dành cho nông nghiệp không thiếu, tuy nhiên DN vẫn nằm ngoài guồng quay này, đây là sự thiệt thòi rất lớn.
Có nhiều rào cản khiến DN khó tiếp cận vốn vay. DN đầu tư trên diện tích rộng nhiều thiết bị hiện đại như nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiêu tự động, phần mềm quản lý… trên hàng chục, hàng trăm ha nông nghiệp công nghệ cao nhưng chưa có bảo hiểm nông nghiệp. Đây là vấn đề đã nói nhiều nhưng chưa làm được khiến ngân hàng không dám lấy đó làm tài sản đảm bảo. Đất đai của DN thì chủ yếu là đất thuê, cũng không thể là tài sản đảm bảo. Do đó, dù tài sản đầu tư trên đất rất lớn, các ngân hàng chủ động tìm đến nhưng vẫn vướng ở tài sản đảm bảo. Họ cũng không thể lấy các hợp đồng kinh tế với nước ngoài mà chúng tôi có được để làm tài sản đảm bảo, vì chu kỳ sản phẩm nông sản dược liệu ở vùng cao của chúng tôi khá dài, nên dù chúng tôi chủ động về kỹ thuật canh tác, ngân hàng vẫn ngại rủi ro…
Chưa kể, nhiều DN nông nghiệp, khi mới tham gia kinh doanh thì hệ thống sổ sách chưa được rõ ràng, minh bạch theo tiêu chuẩn của ngân hàng để ngân hàng xem xét, cho vay hỗ trợ được.
PV: Trước khó khăn như vậy, DN như VietRAP đã làm thế nào để có nguồn vốn kinh doanh?
Bà Vũ Thị Vân Phượng: Khi mới bắt đầu, câu hỏi về vốn là vấn đề đau đáu với DN chúng tôi, cơ hội vay vốn ngân hàng khi đó là bằng 0. Được sự tư vấn của các chuyên gia, chúng tôi đã tìm cách xây dựng một chuỗi trọn vẹn quy trình để có sản phẩm.
Chẳng hạn, trước đây khi xuất hành lá sấy khô cho DN nước ngoài, họ đòi hỏi vừa có vùng nguyên liệu tốt, vừa có nhà máy chế biến đạt chuẩn, mà chúng tôi không có được. Do đó, chúng tôi đi tìm những DN có khả năng ở mỗi quy trình để kết nối thành chuỗi cho ra sản phẩm. Sau khi nắm bắt được yêu cầu về sản phẩm của khách hàng, VietRAP đứng ra làm công ty xuất khẩu trực tiếp, xây dựng vùng nguyên liệu chuẩn, nhưng phần chế biến là đơn vị khác, phần vận chuyển là đơn vị khác, để tính toán đến từng giờ của cây hành đi từ ruộng đến nhà máy.
Chúng tôi cũng làm tương tự với các sản phẩm trà hoa xuất khẩu sang châu Âu, là tìm khách hàng, tìm các DN nhỏ cùng vị thế, kết nối để tạo thành chuỗi chế biến sản phẩm đạt chuẩn. Chúng tôi đã thành công nhờ cách làm như vậy. Tất nhiên, để làm được điều này, cũng phải trải qua quá trình tích luỹ vốn về tri thức, về công nghệ, về thị trường… Khi đó, yếu tố vốn tài chính không còn là yếu tố hàng đầu nữa. Trong tương lai, chúng tôi nghĩ đây vẫn là hướng đi tốt, đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu, tâm huyết thực sự.
PV: Vậy phải chăng DN có thể phát triển tốt mà không cần đến sự hỗ trợ tài chính từ ngân hàng?
Bà Vũ Thị Vân Phượng: Tất nhiên nếu không thể có vốn tiền mặt thì cách làm như chúng tôi đã nói là lối đi duy nhất. Nhưng nếu chỉ duy trì cách làm như vậy thì tốc độ phát triển sẽ chậm, chỉ để tồn tại. Còn để phát triển nhanh, mạnh, có sức cạnh tranh và có thị trường lớn thì chắc chắn cần sự hỗ trợ vốn từ phía ngân hàng. Bản thân hệ thống ngân hàng cũng cần có DN, hai bên đều cần nhau để tồn tại. Vậy vấn đề này phải được chia sẻ thế nào? Đây là khó khăn rất cơ bản của DN tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở nhiều ngành khác, việc tiếp cận vốn của DN đã tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, với nông nghiệp, đây vẫn là vấn đề nan giải.
Về phía ngân hàng, họ cũng rất muốn hợp tác với DN nhưng với đặc thù của lĩnh vực, tài sản đảm bảo vẫn là yếu tố quan trọng. Còn về phía DN, như tôi đã nói, do thiếu thông tin nên họ chưa biết cách để thực hiện sổ sách, quy trình thuận lợi cho việc vay vốn ngay từ đầu. Nếu các ngân hàng thấy được tiềm năng của phân khúc khách hàng này thì nên xây dựng đội ngũ tư vấn, tổ chức đào tạo cho DN để họ có thể hiểu và thực hiện đúng.
Vấn đề là hiện DN vẫn rất thiếu thông tin, không biết mình đang ở đâu. Họ rất cần sự hỗ trợ của nhiều ban ngành, hiệp hội để kết nối ngồi với nhau. Điều này tôi cho rằng hoàn toàn làm được nhưng phải có người chủ trì, quan tâm. Hiện nay, một số ngân hàng đã bắt đầu cử cán bộ đi tư vấn DN ngay từ đầu. Tuy nhiên, có lẽ phải vài năm nữa, câu chuyện chúng ta mong muốn bây giờ mới thành hiện thực.
PV: Xin cảm ơn bà./.