Bình Dương có cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam
Trình bày Báo cáo PCI 2018, ông Đậu Anh Tuấn - Giám đốc dự án PCI, Trưởng ban Pháp chế VCCI (Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam) cho biết, chất lượng cơ sở hạ tầng Việt Nam nhìn chung có cải thiện và có xu hướng đi lên ổn định, kể từ năm 2014. Điểm số chỉ số cơ sở hạ tầng của tỉnh trung bình đạt mốc cao kỷ lục với 66,06 điểm trong năm 2018.
Trong đó, tỉnh đứng đầu xếp hạng về chất lượng cơ sở hạ tầng là Bình Dương, với 82,3 điểm. Kế tiếp đó là: Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hải Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu... Đây cũng là các địa phương thường đứng đầu xếp hạng Chỉ số cơ sở hạ tầng trong nhiều năm qua. Đồng thời, đứng cuối bảng xếp hạng vẫn là các tên tuổi quen thuộc như: Sơn La, Nghệ An, Đắk Nông, Hà Tĩnh và Điện Biên...
Về vấn đề này, ông Daniel J. Kritenbrink - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá, sự tăng cao chưa từng có của Chỉ số cơ sở hạ tầng trong năm 2018 cho thấy, Việt Nam đang trên đà phát triển cả về kinh tế và xã hội.
Theo ông Daniel J. Kritenbrink, bức tranh tổng thể về cơ sở hạ tầng của Việt Nam có nhiều gam màu sáng. Các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tỏ ra hài lòng với chất lượng hạ tầng và đánh giá “tốt”, “có cải thiện” ở tất cả các chỉ tiêu so với giai đoạn trước đó từ 2014 – 2017.
Trong đó, DN đánh giá chất lượng đường bộ ở mức 3,9/5 điểm; cung cấp điện 4,5/5 điểm; kết nối cảng – cao tốc 4,2/5 điểm; kết nối đường sắt – cao tốc 4,3/5 điểm…
Địa phương điều hành tốt có cơ sở hạ tầng chất lượng cao hơn
Trình bày tại lễ công bố PCI năm 2018, ông Tuấn đánh giá, kết quả của Chỉ số cơ sở hạ tầng năm 2018 cho thấy có dấu hiệu khác so với giai đoạn 2015 - 2017 trước đó. Cụ thể, giai đoạn này, Chỉ số cơ sở hạ tầng có xu hướng hội tụ, khoảng cách điểm số của tỉnh đứng đầu và tỉnh đứng cuối thu hẹp dần và thấp nhất chỉ còn 21 điểm vào năm 2017.
“Tuy nhiên, đến năm 2018 khoảng cách này lại giãn ra ở mức 26,4 điểm, khi tỉnh đứng đầu đạt 82,3 điểm, tỉnh đứng cuối chỉ đạt 55,9 điểm, thấp hơn đáng kể so với mức 57 điểm của năm 2017” - ông Tuấn dẫn chứng.
Đại diện VCCI đánh giá, điều đó cho thấy dấu hiệu của một vài tỉnh tụt hậu hơn các tỉnh còn lại về chất lượng cơ sở hạ tầng như Lai Châu, Đắc Nông, Điện Biên, Sóc Trăng, Sơn La, Bạc Liêu, Cao Bằng…
"Rõ ràng, trong thời gian tới, các địa phương này cần có những đầu tư thỏa đáng hơn nữa để cải thiện. Bởi tuy không đưa vào để tính điểm PCI nhưng Chỉ số cơ sở hạ tầng là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư và DN tại các địa phương" - ông Tuấn khuyến cáo.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, điều đáng lưu ý ở đây là kết quả điều tra cho thấy có sự tương quan chặt chẽ giữa chất lượng điều hành và cơ sở hạ tầng. Mặc dù có một vài trường hợp ngoại lệ, nhưng nhìn chung những địa phương nào có chất lượng điều hành tốt có xu hướng có cơ sở hạ tầng chất lượng cao hơn.
Ngoài ra, các tỉnh có hiệu quả kinh tế tốt nhất là những địa phương có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho DN, đồng thời lại là nơi có chất lượng điều hành trên mức trung bình. “Không có gì ngạc nhiên khi các tỉnh giàu nhất và tăng trưởng nhanh nhất cả nước đều có mặt trong nhóm này, trong đó có Đà Nẵng, Bình Dương, Bắc Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Vĩnh Phúc” - ông Tuấn cho hay./.
Chỉ số cơ sở hạ tầng là một chỉ tiêu được đánh giá độc lập và không nằm trong 10 chỉ tiêu thành phần của PCI, bởi do đây là lĩnh vực vốn không hoàn toàn thuộc thẩm quyền quyết định của lãnh đạo địa phương và nhiều chỉ tiêu đo lường nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền tỉnh.
Chỉ số này được xem xét, đánh giá trên cơ sở 4 chỉ tiêu thành phần liên quan đến chất lượng cơ sở hạ tầng ở các địa phương, bao gồm: Mức độ sẵn có và chất lượng của các khu công nghiệp; hệ thống đường giao thông về độ bao phủ đường trải nhựa và các chi phí gián tiếp phát sinh từ đó; chi phí và độ tin cậy của dịch vụ viễn thông và năng lượng; khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin tại địa phương.
|