Quy mô thị trường 55 tỷ USD
Nhìn lại thị trường M&A 10 năm qua, dễ dàng nhận thấy, nếu như năm 2009, tổng giá trị thương vụ M&A mới chỉ đạt 1,1 tỷ USD thì đến cuối năm 2018, con số này đã đạt mốc 10,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị thương vụ trong 10 năm lên khoảng 55 tỷ USD.
Không chỉ đạt kỷ lục về tổng giá trị, số lượng các thương vụ cũng tăng lên rất nhanh, diễn ra trên mọi khu vực doanh nghiệp (DN): tư nhân, đầu tư nước ngoài (ĐTNN), DN có vốn nhà nước (NN); thu hút sự tham gia không chỉ các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp trong và ngoài nước mà còn có sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh, DN công nghệ...
Có thể khẳng định, kết quả trên có được là nhờ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh và sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng DN, Việt Nam đạt được những thành tựu kinh tế xã hội rất đáng khích lệ, đặc biệt là hoạt động đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có nhiều giải pháp đẩy thúc đẩy cổ phần hóa DNNN, bán vốn tại những DN mà NN không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả.
Riêng trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, kết quả cổ phần hoá thoái vốn tại DNNN đã đạt trên 200 ngàn tỷ đồng, gấp đôi giai đoạn 5 năm trước. Thông qua hoạt động này, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã mua và sở hữu được cổ phần của các DN có vốn của NN như Vinamilk, Sabeco...
Việc thúc đẩy thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn gắn liền với việc công khai, minh bạch lộ trình cổ phần hoá, thoái vốn sẽ tạo ra các sản phẩm ngày càng hấp dẫn hơn nữa cho thị trường M&A; mở rộng cơ hội cho các nhà đầu tư quan tâm và nghiên cứu cơ hội đầu tư, mua lại cổ phần tại các DN có vốn NN càng tạo cơ hội cho hoạt động M&A tăng trưởng mạnh.
 |
Bất động sản khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh đang thu hút sự quan tâm của hoạt động M&A. Ảnh Đ.Doãn
|
Nhóm ngành có triển vọng thu hút vốn ngoại
Trong khảo sát mới đây của Nhóm Nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF Research) và Trung tâm Nghiên cứu đầu tư và mua bán, sáp nhập (CMAC), giới chuyên gia nghiên cứu đưa ra các dự báo khác nhau về giá trị thị trường M&A tại Việt Nam năm 2019. Cụ thể, 52% dự báo giá trị thị trường ở mức 7 - 7,5 tỷ USD, 16% lạc quan hơn khi dự báo ở mức 7,5 - 8,5 tỷ USD, trong khi đó 23% thận trọng hơn với dự báo giá trị M&A chỉ ở mức 5 - 7 tỷ USD.
Còn theo dự báo của MAF và CMAC, giá trị M&A năm 2019 sẽ ở quy mô 6,7 - 6,8 tỷ USD, tương đương 88 - 90% giá trị M&A năm 2018. Kết quả này, dù có giảm nhưng trong 3 năm liên tiếp 2017 - 2019, quy mô thị trường trung bình mỗi năm đã ở mức 7 tỷ USD, cao hơn giai đoạn 2014 - 2017 với quy mô 5 tỷ USD. Tuy nhiên, để thị trường đạt một tầm cao mới, thì vẫn cần chờ đợi những thương vụ lớn cũng như chờ đợi các động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ và các DN.
Thị trường M&A trong năm 2019 và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A được dự báo sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
“Đối tác cho các thương vụ M&A tại Việt Nam sẽ là các nhà đầu tư từ châu Á, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore tiếp tục chiếm ưu thế. Thị trường đang được chứng kiến xu hướng đầu tư từ Hồng Kông và Trung Quốc tại một số ngành, lĩnh vực. Giai đoạn tới cũng có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ thoái vốn của các DNNN lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài” – báo cáo Thị trường M&A của MAF và CMAC cho biết.
 |
Nhiều nhà đầu nước ngoài quan tâm đến hoạt động M&A tại Việt Nam. Ảnh Đ.Doãn
|
Theo ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có khá nhiều yếu tố hỗ trợ hoạt động M&A tăng trưởng. Đó là việc Chính phủ đang hoàn chỉnh các luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Xây dựng... Các luật này sẽ sớm được sửa đổi để tháo gỡ các vướng mắc, xoá bỏ chồng chéo, cắt giảm chi phí thủ tục tham gia thị trường, chi phí kinh doanh của DN.
Một số luật mới sẽ được xây dựng và ban hành như Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ, Luật đầu tư theo hình thức công tư PPP... sẽ tạo khung pháp lý vững chắc hơn nữa cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực đầu tư kinh doanh./.