Ngày 12/11/2019, tại Hà Nội, Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp và Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) phối hợp với Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sỹ (SDC) tổ chức Hội thảo Khởi động giai đoạn 3 Dự án “Hệ thống thông tin viễn thám và bảo hiểm nông nghiệp tại các nền kinh tế mới nổi” (RIICE). Giai đoạn 3 Dự án RIICE do Bộ NN&PTNT thực hiện với sự tài trợ của SDC và vốn đối ứng của Việt Nam.
RIICE 3 sẽ là sự tiếp nối của RIICE 1 và RIICE 2. Đây là bước cuối cùng trong hành trình dài để làm cho công nghệ viễn thám tiên tiến hoạt động cho ngành lúa gạo tại Việt Nam. Dự án nằm trong dự án toàn cầu của SDC hỗ trợ một số nước sản xuất lúa gạo trong khu vực như Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, và Thái Lan. Tại Việt Nam, RIICE đã được các đối tác Việt Nam và quốc tế thực hiện từ năm 2013.
Triển khai từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2021 tại 2 tỉnh An Giang và Thái Bình, tổng kinh phí thực hiện dự án là 10,2 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA không hoàn lại của SDC là 8,6 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 1,8 tỷ đồng.
Giai đoạn 3 Dự án RIICE hướng đến cải tiến hệ thống theo dõi lúa và năng lực quản lý thiên tai của Bộ NN&PTNT thông qua thể chế hóa công nghệ RIICE, bao gồm xây dựng quy trình, công cụ và các sản phẩm để áp dụng công nghệ viễn thám vào theo dõi lúa nhằm triển khai thực hiện chương trình bảo hiểm cây trồng ở Việt Nam.
Dự án gồm 2 hợp phần. Hợp phần 1, RIICE sẽ giúp Bộ NN&PTNT tích hợp thành công và bền vững công nghệ tân tiến vào hệ thống theo dõi lúa của Chính phủ trên tất cả các mặt kỹ thuật, thể chế và tài chính. Dự án cũng tính đến phương án thương mại hóa, tức là thu một phần phí dịch cung cấp số liệu để qua đó giảm bớt chi ngân sách. Hợp phần 2, RIICE sẽ xử lý và cung cấp số liệu năng suất lúa cấp xã nhằm hỗ trợ chương trình bảo hiểm lúa tại 7 tỉnh theo quy định trong Quyết định 22/2019/QD-TTg của Thủ tướng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Reymond Marcel - Giám đốc bộ phận phát triển của Thụy Sỹ tại Việt Nam nhấn mạnh, giai đoạn 3, SDC sẽ tiếp tục giám sát lúa dựa trên viễn thám, đồng thời tập trung vào các khía cạnh thể chế, để RIICE hoạt động trơn tru và bền vững. Một thành phần quan trọng khác trong RIICE giai đoạn 3 là sự hỗ trợ của chương trình bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ. RIICE sẽ phối hợp chặt chẽ với phòng hợp tác xã và phát triển nông thôn để đào tạo bảo hiểm cho cán bộ; RIICE sẽ cung cấp dữ liệu đánh giá mất mùa mà không mất phí ở 7 tỉnh của chương trình.
Cũng theo ông Reymond Marcel, an ninh lương thực luôn là lĩnh vực ưu tiên của SDC. Danh mục đầu tư an ninh lương thực và nông nghiệp chiếm 122 triệu CHF hoặc hơn 50% tổng số hỗ trợ song phương của SDC cho Việt Nam trong quá khứ và Bộ NN&PTNT luôn là đối tác chính của SDC tại Việt Nam.
Hội thảo khởi động dự án lần này là cơ hội để Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn và Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp chia sẻ Chương trình Bảo hiểm nông nghiệp thực hiện theo Nghị định 58/2018/NĐ-CP và kết quả thực hiện dự án RIICE các giai đoạn trước, đồng thời trình bày kế hoạch thực hiện dự án RIICE trong thời gian sắp tới.
Ngành sản xuất lúa đóng vai trò đặc biệt quan trọng tại Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm, và thu nhập. Tuy nhiên, sản xuất lúa ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh. Bảo hiểm nông nghiệp được xem là một trong những giải pháp có thể giúp nông dân đối mặt với các rủi ro trên.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2011 - 2013, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Tài chính đã phối hợp thực hiện chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại 21 tỉnh thành phố. Dựa trên kết quả của chương trình thì điểm, Việt Nam đã ban hành Nghị định 58/2018/NĐ-CP nhằm tiếp tục hỗ trợ cho bảo hiểm nông nghiệp giúp nông dân đối mặt với thiên tai. Áp dụng công nghệ viễn thám vào quản lý cây trồng nông nghiệp là giải pháp ưu tiên của Đề án Tái cấu trúc ngành Nông nghiệp, trong đó, dự án RIICE được xem như giải pháp sáng tạo nhằm giúp Bộ NN&PTNT thực hiện giám sát lúa, quản lý rủi ro thiên tai, bảo hiểm cây trồng minh bạch và hiệu quả hơn.../.
Hiện nay, tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2019 giữa Việt Nam và Thụy Sỹ dự kiến đạt trên 3 tỷ Franc Thụy Sĩ. Trong khuôn khổ Hiệp định về hợp tác phát triển giữa 2 nước được ký năm 2002, Thụy Sỹ cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực tăng cường an ninh lương thực và giảm mức độ tổn thương cho các hộ nông dân trồng lúa quy mô nhỏ thông qua thiết lập hệ thống thông tin về sản xuất lúa tốt hơn với chi phí vừa phải. Hợp tác này được cụ thể hóa thông qua các dự án RIICE - Giai đoạn I và Giai đoạn II tại Việt Nam. Tiếp nối 2 dự án RIICE - Giai đoạn I và Giai đoạn II tại Việt Nam, tháng 7/2019, Bộ NN&PTNT Việt Nam đã ký Biên bản thỏa thuận dự án cùng Bộ Ngoại giao Liên bang Thụy Sỹ về dự án RIICE – Giai đoạn 3, nhằm hỗ trợ thể chế hóa công nghệ RIICE vào hệ thống theo dõi lúa và bảo hiểm nông nghiệp của Bộ. |