Nhiều chủ đầu tư cố tình vi phạm pháp luật xây dựng
Nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp sổ hồng tại các dự án phát triển nhà, ngày 26/11, Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng tổ chức buổi giao lưu trực tuyến "Tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại các dự án phát triển nhà ở".
|
Ông Mai Văn Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: P.V
|
Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, ông Hoàng Mạnh Hà - Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian vừa qua, việc cấp sổ hồng tại nhiều dự án trên cả nước đã được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc cấp sổ hồng.
Tuy nhiên, việc cấp sổ hồng cho người dân vẫn bị đình trệ nhất là tại các dự án có sai phạm về mật độ xây dựng, sai quy hoạch thiết kế… Vì vậy, Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề trên để giải đáp các thắc mắc của người dân và doanh nghiệp xung quanh vấn đề này.
Nêu quan điểm tại buổi giao lưu, ông Mai Văn Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, quá trình thực hiện dự án phát triển nhà ở, chủ đầu tư phải trải qua nhiều bước, nhiều công đoạn, thực hiện nhiều pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các pháp luật nêu trên, chủ đầu tư một số dự án đã vi phạm ở một hoặc một số khâu của các pháp luật có liên quan như thủ tục đầu tư, pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng, pháp luật về tài chính sách tín dụng…, nhưng đã tổ chức triển khai dự án và bán nhà cho người mua nhà.
Một số chủ đầu tư tự ý chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thứ cấp chưa được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, nhưng chủ đầu tư thứ cấp đã thực hiện việc bán căn hộ cho người mua. Một số chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng không đúng quy định của pháp luật về xây dựng như: xây dựng không đúng giấy phép hoặc thiết kế, quy hoạch chi tiết được duyệt (xây dựng vượt diện tích, vượt số tòa, số căn, số tầng, xây không đúng vị trí, tự ý thay đổi mật độ xây dựng, công năng công trình).
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư vừa thực hiện việc thế chấp tài sản tại ngân hàng, đồng thời lại tổ chức bán tài sản (căn hộ) cho người mua; một số dự án chưa được nghiệm thu các yêu cầu cần thiết như phòng chống cháy nổ, điện nước..., nhưng đã tổ chức bán căn hộ cho khách hàng, điều đó dẫn đến việc không được các cấp có thẩm quyền cấp sổ hồng cho người dân, do đó người dân mua nhà nhưng không có sổ hồng, dẫn đến khiếu nại, kiện tụng triền miên, làm ảnh hưởng đến tâm lý của người mua nhà.
Người dân có quyền khởi kiện chủ đầu tư khi không nhận được sổ hồng
Tại buổi giao lưu trực tuyến, bạn đọc Nguyễn Văn Nam (Hà Nội) đặt câu hỏi tình trạng người dân mua nhà tại các chung cư đã nộp 95-100% giá trị căn hộ, nhưng nhiều năm nay vẫn không được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Quan điểm của cơ quan quản lý về vấn đề này thế nào?
Trả lời câu hỏi này, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, tại Điều 57, Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định: Việc thanh toán trong mua, bán bất động sản hình thành trong tương lai được thực hiện nhiều lần, lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng, những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng bất động sản, nhưng tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà cho khách hàng và tối đa không quá 95% giá trị hợp đồng cho đến khi chưa bàn giao sổ hồng cho người mua.
Tại Khoản 2, Điều 22 và Khoản 2, Điều 23 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cũng đã quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ đầu tư. Theo đó, chủ đầu tư có trách nhiệm giao sổ hồng quyền sở hữu nhà ở cho người mua theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Tại Khoản 4, Điều 23, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cũng đã quy định: Bên mua nhà có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại nếu không thực hiện các cam kết trong hợp đồng (trong đó có việc chậm bàn giao sổ hồng).
Như vậy, pháp luật đã có quy định trong việc bảo vệ quyền lợi của người mua nhà (quy định khống chế số tiền tối đa được thu của chủ đầu tư) cũng như quyền yêu cầu chủ đầu tư bồi thường thiệt hại (nếu có) trong việc thực hiện các thỏa thuận trong hợp đồng (trong đó có trách nhiệm làm thủ tục và bàn giao sổ hồng cho người dân).
Người dân cũng có quyền khởi kiện chủ đầu tư ra tòa án để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi của mình khi chủ đầu tư không thực hiện việc làm thủ tục đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà./.