Cụ thể, Bộ Xây dựng đề nghị DN cần tái cơ cấu lại sản phẩm BĐS theo nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển nhà ở bình dân, giá thấp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở; tăng cường liên doanh, liên kết với các DN khác để có thêm nguồn vốn đầu tư...
Lượng tiêu thụ sản phẩm BĐS chỉ đạt 14%
Nêu nhận định về thị trường BĐS những tháng đầu năm, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, tuy đại dịch Covid-19 không làm ảnh hưởng toàn diện đến thị trường BĐS nhưng cũng có những tác động nhất định đến một số yếu tố riêng biệt của thị trường, cũng như hoạt động của một số DN BĐS vừa và nhỏ.
 |
Đại diện Bộ Xây dựng trao đổi với báo chí về thị trường bất động sản. Ảnh: Tuấn Nguyễn
|
Điều đó thể hiện ở tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, chỉ tính riêng nhà ở thương mại, lượng tiêu thụ sản phẩm chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019; lượng giao dịch thành công giảm 36,6% so với quý IV/2019 và chỉ bằng 14% so với năm 2019.
Đối với văn phòng cho thuê, tỷ lệ văn phòng trống trong quý I/2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019 (văn phòng hạng A trống 10,8%; hạng B trống 5,6%). Các khu du lịch, nghỉ dưỡng hầu như không có nguồn thu. Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS, qua tổng hợp của Bộ Xây dựng cho thấy, nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS sụt giảm mạnh, trong quý I/2020 chỉ có 264 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI), tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4.
Đối với hoạt động của các DN trong lĩnh vực BĐS, hiện nay số lượng DN được thành lập mới giảm 11,9%, tạm ngừng kinh doanh tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019, đây là tỷ lệ DN tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất trong tất cả các ngành nghề; số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm khoảng 80%, số còn lại 200 sàn chỉ hoạt động cầm chừng.
Về tồn kho, theo số liệu công bố báo cáo tài chính của 178 DN có đăng ký kinh doanh BĐS (kể cả DN kinh doanh đa ngành) niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, tổng giá trị hàng tồn kho (tính đến 31/12/2019) là 209.100 tỷ đồng, trong đó giá trị tồn kho sản phẩm BĐS chiếm khoảng 50%, tương đương khoảng 104.550 tỷ đồng (ngoài ra chưa kể lượng BĐS tồn kho của các DN chưa niêm yết).
Tổng hàng tồn kho tính theo giá trị chỉ chiếm dưới 5% tổng mức đầu tư các dự án đang triển khai, tuy nhiên giá trị tồn kho lại tăng khoảng 20 – 30% so với kỳ trước; hàng tồn kho chủ yếu là căn hộ cao cấp, căn hộ du lịch, nhà tái định cư... được xây dựng tại các vị trí xa trung tâm, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiếu đồng bộ.
Qua tính toán, nếu không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong quý I/2020, các chủ đầu tư có thể sẽ giải phóng được khoảng từ 15 - 20% lượng hàng tồn kho, từ đó giúp có thêm nguồn vốn phục vụ cho đầu tư BĐS.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, thống nhất
Để tháo gỡ các nút thắt cho thị trường BĐS, đại diện Bộ Xây dựng đã đề cập tới hàng loạt giải pháp nhằm tháo gỡ, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển. Trong đó, về dài hạn, Bộ Xây dựng cho biết cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
 |
Cần có giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển thị trường BĐS. Ảnh: Tuấn Nguyễn
|
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cho biết đang nghiên cứu, xây dựng nghị quyết của Chính phủ về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để bán với tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, có diện tích sử dụng dưới 70m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2, tối đa không vượt quá 1,5 tỷ đồng/căn (đã bao gồm VAT).
Về phía DN, Bộ Xây dựng cho rằng các DN kinh doanh BĐS khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp để tự tháo gỡ khó khăn cho mình. Cụ thể như việc chủ động tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, tinh giản bộ máy nhân sự, cho phép nhân viên được làm việc tại nhà hoặc làm việc luân phiên, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, để giảm quỹ lương, chi phí phát sinh như điện nước, đi lại, chi phí quảng cáo, PR sản phẩm…
Các DN cần tái cơ cấu lại sản phẩm BĐS theo nhu cầu thị trường, chú trọng phát triển nhà ở bình dân, giá thấp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở, nhất là xã hội; thực hiện giảm giá bán, giá thuê BĐS, giãn việc nộp tiền thuê của khách hàng, giảm chi tiêu lợi nhuận để thu hồi vốn; tăng cường liên doanh, liên kết với các DN BĐS khác để có thêm nguồn vốn đầu tư; hạn chế vay vốn lớn để tránh tình trạng phát sinh chi phí lãi vay cao, chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác để giảm các khoản nợ vay ngân hàng.
Đồng thời, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 để tạo thuận lợi trong thủ tục giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định quyền sử dụng đất xen kẹt, mở rộng hình thức cho vay vốn tại ngân hàng nước ngoài để đầu tư các dự án nhà ở thương mại giá thấp, công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Theo Bộ Xây dựng, cần sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 theo hướng tăng số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu trong mỗi một tòa nhà chung cư; cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các BĐS du lịch tại Việt Nam. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án BĐS.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/1/2017 và Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 10/1/2020 để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh và đảm bảo an ninh kinh tế, an sinh xã hội./.