Đây là phát biểu của TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại Diễn đàn Kinh tế 2021: Điểm tựa phục hồi và phát triển kinh tế, do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (VCCI) tổ chức chiều 24/11, tại Hà Nội.
Thúc đẩy hội nhập chính là động lực cho tăng trưởng
TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, năm nay, chúng ta duy trì được tăng trưởng dương đã là kỳ tích. Việt Nam đã thành công trong thực hiện mục tiêu kép là đẩy lùi dịch bệnh và phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, đối với mục tiêu kinh tế chúng ta đạt cả 3 yêu cầu: ổn định, tăng trưởng và kết nối.
Niềm tin của người dân và doanh nghiệp vẫn rất lớn. Qua đại dịch cũng như mỗi khi đất nước trải qua thời kỳ khó khăn, chúng ta đều nhận thấy chính niềm tin của người dân vào sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là một trong những nguyên nhân quan trọng bậc nhất dẫn tới thành công của chúng ta.
Tuy nhiên, nhận định đất nước chưa thoát khỏi khó khăn, doanh nghiệp vẫn chưa được phục hồi, hàng triệu lao động chưa có việc làm, phục hồi doanh nghiệp đang trở thành mệnh lệnh. Song song với triển khai gói hỗ trợ lần 1 thì gói hỗ trợ thứ 2 cần tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Những lĩnh vực mà nếu vượt khó khăn trước mắt sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng như hàng không, du lịch.
Nhận định sự hỗ trợ của Chính phủ cho hàng không là đúng đắn và kịp thời, ông Lộc cho rằng, cũng cần hỗ trợ các hãng hàng không khác tiếp cận nguồn cho vay. Đây là các biện pháp hỗ trợ có chọn lọc tập trung vào các doanh nghiệp có tiềm năng tạo sự phục hồi, động lực phát triển của nền kinh tế sau đại dịch.
Cùng với đó, trong những ngày tháng Covid-19 khó khăn này, chúng ta vẫn ký kết RCEP. Thúc đẩy hội nhập chính là một động lực cho tăng trưởng của Việt Nam. Đồng thời, chuyển đổi số cũng là điểm tựa quan trọng cho bước phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Còn theo ông Trịnh Minh Anh - Chánh văn phòng Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, hội nhập là chủ trương lớn của đất nước. Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập nên mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường rộng lớn. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam cần phải cố gắng tận dụng hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP.
Ngoài ra, chúng ta vẫn phải tiếp tục tận dụng thị trường Trung Quốc nhưng cũng phải có chiến lược phòng vệ, lặp lại sự cạnh tranh công bằng, dựng hàng rào cho các vụ M&A, từ bỏ ưu ái quá mức cho FDI và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt.
Xu hướng mới sau đại dịch Covid-19
Đánh giá về xu hướng mới sau đại dịch Covid-19, ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN cho hay, có 6 vấn đề cần lưu ý gồm: tác động không đồng đều của đại dịch, những cơ hội mới từ các nền tảng số, cơ hội từ phát triển hạ tầng năng lượng, cơ hội đầu tư vào ngành chăm sóc sức khoẻ, cơ hội từ xu hướng sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu, cơ hội từ sản xuất hàng xuất khẩu tận dụng EVFTA và RCEP.
Chính vì vậy, kinh tế Internet là một điểm sáng trong bức tranh đại dịch nhiều khoảng tối mà Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng 5% trong khu vực ASEAN. Trong đó, có một loạt nhóm hàng tăng trưởng mạnh liên quan đến thương mại điện tử như may mặc, hàng điện tử và thực phẩm. Những mảng như cho vay hay dịch vụ giáo dục, giải trí, nội dung số cũng tăng mạnh.
Xét về quy mô nền kinh tế Internet, Việt Nam đang được đánh giá ở mức 14 tỷ USD, ngang ngửa Thái Lan và chỉ xếp sau Indonesia. Nhìn sâu vào bức tranh này sẽ thấy, lượng khách hàng tăng đột biến từ 30 - 50%, đây là con số mà các ngành kinh doanh mơ ước.
Một ưu thế khác đó là đa số khách hàng đến từ khu vực thành thị, với những ưu điểm về sức mua, cơ sở hạ tầng với nền tảng công nghệ tốt, cùng mức thu nhập bình quân cao... Trong tương lai, nếu đại dịch vẫn còn tiếp tục, giao dịch Internet sẽ còn tăng “nóng” với các nhóm ngành tiêu biểu như gọi xe điện tử, giao nhận thức ăn, tài chính ngân hàng,...
Riêng dịch vụ tài chính số, Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhất trong khu vực, cụ thể là ứng dụng internet trong ngân hàng. Dự báo trong tương lai gần, các nhóm ngành mà đầu tư nước ngoài sẽ đổ tiền vào gồm lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và một số dịch vụ khác như phát triển hạ tầng, năng lượng, đòi hỏi nguồn đầu tư lớn.
“Chúng ta cần tận dụng hội nhập kinh tế quốc tế và sắp xếp lại cung ứng toàn cầu, đặc biệt không quên tập trung đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực thương mại điện tử đang thắp sáng bức tranh kinh tế hiện nay” - ông Vũ Tú Thành nhấn mạnh.
Để Việt Nam bước qua khó khăn, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, doanh nghiệp cần tái cấu trúc trên cơ sở: nhận ra xu thế; tận dụng lợi thế; đau đáu sáng tạo; kết nối khôn ngoan; quản trị rủi ro. Chúng ta tin rằng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân đủ bản lĩnh, kinh nghiệm, sự sáng tạo, đồng lòng cùng Chính phủ vượt qua được giai đoạn rất khó khăn hiện nay và vững bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa thời hậu dịch./.