Phát biểu khai mạc Diễn đàn logistics Việt Nam 2020 diễn ra sáng 26/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, thị trường logistics Việt Nam đang thu hút khoảng trên 30.000 doanh nghiệp (DN). Trong đó, chủ yếu là DN vận tải đường sắt, đường bộ và đường sông (59,02%). Tiếp đó là DN kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải (33,26%), DN vận tải đường thủy (5,27%), vận tải hàng không (0,02%) và doanh nghiệp bưu chính chuyển phát (2,34%).
Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các DN nói chung và các DN dịch vụ logistics nói riêng. Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương đang cùng các bộ ngành, địa phương nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, qua đó tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới, giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh và nhanh chóng khôi phục đà tăng trưởng.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích về bối cảnh thực thi các FTA vừa ký kết, bên cạnh những mặt tích cực, cũng đặt ra nhiều thách thức, gia tăng áp lực đối với các ngành sản xuất và dịch vụ trong nước nói chung, ngành logistics nói riêng.
Cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, trị giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, trong thời gian vừa qua dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt 12-14%. Tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.
Do đó, đòi hỏi phải có sự quyết liệt hơn trong xây dựng và thực thi chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
“Cắt giảm chi phí logistics đang là chủ đề mà Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và DN quan tâm nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của DN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thông qua đó phục hồi đà tăng trưởng bị sụt giảm do tác động của dịch Covid-19" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết thêm, trong các FTA mới như CPTPP, EVFTA, RCEP…, đối với dịch vụ logistics, các hiệp định có thể tác động tới triển vọng phát triển ở hai góc độ là cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải, cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô do tăng nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, đầu tư và thực hiện dịch vụ. “Trong cả hai khía cạnh này, cơ hội và thách thức đều khá lớn trong bối cảnh DN logistics nội địa có sức cạnh tranh không cao” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích.
Đặc biệt, phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương theo chức năng và nhiệm vụ được giao có chương trình cụ thể thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam
Hà Nội đề xuất 7 kiến nghị để phát triển logistics
Đáng chú ý, phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, ngành logistics Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á, với mô 40 - 42 tỷ USD. Tuy nhiên, chi phí logistics hiện nay còn cao.
Đối với Hà Nội, hiện nay các DN logistics mới đáp ứng 25% nhu cầu của thành phố. Với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Hà Nội là trung tâm lớn về giao thương của cả nước và khu vực, Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp nhằm quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, trong đó có hạ tầng logistics.
Trong năm 2020, chỉ số phát triển công nghiệp của TP. Hà Nội ước tăng 4,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tăng trên 10%; GRDP ước tăng trên 4% và thu ngân sách dự kiến đạt trên 280 nghìn tỷ đồng. Đây là những mức tăng cao hơn so với bình quân cả nước, nhất là trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu 7 đề xuất tại diễn đàn.
Trong đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý hành chính công, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục xuyên biên giới; tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để cắt giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp. Đồng thời, đánh giá khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của các doanh nghiệp logistics và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này; tăng cường thúc đẩy và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho ứng dụng công nghệ, có các chương trình, kế hoạch cụ thể để chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics; xây dựng mạng lưới doanh nghiệp logistics gắn với thương mại điện tử; phát triển các giải pháp công nghệ mới nhằm sử dụng nhiên liệu sạch, giảm ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng kiến nghị Chính phủ cho phép hình thức kinh doanh đại lý hải quan để chuyên nghiệp hóa dịch vụ thông quan, tiết kiệm chi phí cho DN. Hà Nội sẵn sàng phối hợp với Bộ Công thương để đăng ký thử nghiệm mô hình này trên địa bàn thành phố./.