Đây là chia sẻ của ông Phạm Văn Hảo - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) tại Hội thảo “Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam”, do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cùng Viện Kinh tế - Xã hội và Công nghệ tổ chức ngày 26/11, tại Hà Nội.
Kịch bản phục hồi hình chữ V
Ông Hảo cho biết, theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), ngành hàng không thế giới đã và sẽ đối diện với 2 kịch bản, trong đó kịch bản 1 là mô hình theo chữ V sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại. Kịch bản 2, mô hình chữ U quy luật sẽ giảm xuống đáy và kéo dài từ 3 đến 5 tháng đi kèm suy giảm kinh tế, dự báo thị trường hàng không sụt giảm 48 - 71% tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Theo nhìn nhận, hàng không Việt Nam từng bước phục hồi theo chữ V, Cục Hàng không Việt Nam đang phối hợp với các hãng nghiên cứu trình Chính phủ mở lại chuyến bay quốc tế đến nước ta với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không mở cửa ào ạt hay vì kinh tế mà bỏ qua dịch bệnh. Dự kiến, thị trường hàng không mất tới 3 năm mới phục hồi đạt như năm 2019.
Đánh giá thiệt hại của dịch, ông Nguyễn Tiến Hòa - Phó ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines cho biết, dự báo thiệt hại hàng không Việt Nam là 4 tỷ USD trong năm nay. Riêng Vietnam Airlines doanh thu giảm hơn nửa, số lỗ năm nay dự kiến khoảng 14.000 - 15.000 tỷ đồng.
Thị trường nội địa tuy có phục hồi nhưng sức mua yếu, giá vé lại giảm mạnh. Thị trường quốc tế đóng băng tập trung chủ yếu là các chuyến bay đưa công dân hồi hương. Hiện, dịch Covid-19 đã lắng dịu nhưng với đà suy thoái kinh tế và tâm lý lo ngại vẫn là rào cản kéo dài phục hồi ngành hàng không nói chung.
“Các hãng bay liên tục đổ tải vào thị trường nội địa khiến dư thừa nguồn cung, cạnh tranh trực diện giảm giá vé nhằm thu hút khách và cạnh tranh giữa các hãng, với các ngành khác. Hiệu quả khai thác, tiềm lực tài chính giảm nghiêm trọng, khó cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài” - ông Hòa cho hay.
Dịch Covid-19 khiến trật tự hàng không thay đổi
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, thúc đẩy hội nhập văn hóa kinh tế - chính trị. Trong những năm gần đây, vận tải hàng không trong nước và khu vực tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2019 vận chuyển hơn 136 triệu hành khách, năng lực điều hành bay không ngừng nâng cao (hơn 900.000 chuyến bay).
Tuy nhiên, dịch Covid-19 gây rối loạn hoạt động kinh tế, ảnh hưởng đời sống xã hội, làm tê liệt ngành hàng không Việt Nam và thế giới. Tại nước ta, các hoạt động vận tải hàng không đã phải hy sinh quyền lợi chính đáng để phục vụ chủ trương giãn cách xã hội, khoanh vùng dập dịch, dừng vận chuyển hành khách...
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, như Singapore đã gặp khó khăn do diện tích nhỏ, không có thị trường nội địa, nhưng riêng Trung Quốc dân số đông, diện tích lớn nên ngành này không có nhiều trở ngại.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, trật tự hàng không thế giới thay đổi, các hãng bay nước ta sẽ thay đổi như thế nào trong thực tế cũng yếu đi vì dịch Covid-19, nhưng vấn đề phải quan tâm là hãng nào chết trước, hãng nào yếu hơn và tự mình đứng dậy được. Thời điểm này là thời điểm quyết định thay đổi cục diện cuộc chơi giữa các hãng.
Đề ra giải pháp phát triển bền vững, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, thị trường nội địa đang là chỗ dựa quan trọng và tìm cách phát triển, do đó cần kích hoạt thị trường nội địa hàng không cũng như du lịch, tạo nên sức cầu nội địa.
Đề cập đến việc tiếp cận các nguồn vốn vay nhằm sống sót qua đại dịch Covid-19, các hãng hàng không Việt cần chứng minh với ngân hàng, ngành hàng không là mũi nhọn về kinh tế, hứng chịu thiệt hại nhiều nhất nhưng lúc đứng dậy cũng phải là đầu tiên.
“Tìm nguồn tài trợ cho hàng không phải đặt hướng thuyết phục ngân hàng, Chính phủ tài trợ hàng không chính là tài trợ cho tương lai. Hàng không thế giới đứng dậy thì ta phải dứng dậy ngay lập tức đồng thời đi kèm với dự báo được tương lai của ngành hàng không trong bối cảnh hiện tại” - PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Khẳng định Chính phủ thường xuyên quan tâm tới phát triển ngành hàng không, như đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hành lang pháp lý tạo môi trường hoạt động ngày càng thuận lợi, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ Giao thông vận tải sẽ có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hoạt động trở lại trước những khó khăn, thách thức to lớn khi đại dịch chưa biết bao giờ kết thúc./.