Đây là những thông tin từ khảo sát Navigator của ngân hàng HSBC - "Hiện tại, tương lai và ý nghĩa đối với doanh nghiệp-DN". Cuộc khảo sát toàn cầu được thực hiện toàn diện nhất về thương mại quốc tế với hơn 10.000 DN tại 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, bao gồm 200 DN tại Việt Nam.
88% doanh nghiệp dự định tăng đầu tư năm tới
Theo kết quả khảo sát, có 55% DN được hỏi vẫn lạc quan về tăng trưởng, thấp hơn so với mức 56% của năm 2019 nhưng cao hơn đáng kể mức trung bình toàn cầu 29%. Đây là một minh chứng cho câu chuyện thành công của Việt Nam trong việc đối phó và loại trừ dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy, không phải tất cả mọi người đều lạc quan khi số DN thể hiện sự bi quan hoặc "dự kiến sẽ thu hẹp hoạt động" tăng lên 26% so với chỉ 4% vào năm 2019.
Dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng đến kỳ vọng tăng trưởng khi số lượng DN Việt dự kiến sẽ tăng trưởng hơn 5% giảm đi đáng kể, chỉ còn 66% trong năm 2020 so với 92% năm 2019.
Nhưng nhìn chung, các DN Việt ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch hơn so với các DN trên toàn cầu, với khoảng 59% DN (so với 45% trên toàn cầu) dự kiến đến cuối năm 2021 có thể đạt được mức lợi nhuận tại thời điểm trước dịch và 86% kỳ vọng đạt được vào cuối năm 2022.
Theo ông Tim Evans - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt, khả năng phục hồi xuất sắc và công tác ứng phó rất hiệu quả của Việt Nam đối với dịch Covid-19 là một đóng góp to lớn giúp tinh thần lạc quan của các DN gia tăng. Không giống như nhiều quốc gia khác, từ góc độ nền kinh tế trong nước thuần túy, trong nửa cuối năm, Việt Nam nhìn chung đã quay trở lại môi trường kinh doanh bình thường. Tất nhiên, mỗi lĩnh vực khác nhau đều có những thách thức riêng, nhưng những gì mà hầu hết các DN chia sẻ trong khảo sát cho thấy họ cần phải đầu tư thêm để nắm bắt những cơ hội trong tương lai.
Với việc hoạt động trong nước đang dần quay trở lại trạng thái bình thường, không mấy ngạc nhiên khi nhiều DN thể hiện tinh thần lạc quan đối với tăng trưởng, bao gồm những DN khai thác trong nước (68% so với nhà khai thác quốc tế 50%), các DN sản xuất hàng hóa (60% so với các DN dịch vụ là 48%) và các DN thiên về kinh doanh trực tuyến (60% so với các DN kinh doanh truyền thống là 50%).
Để thích ứng với các yếu tố khách quan, 68% DN Việt Nam đã thực hiện các thay đổi trong vòng 12 tháng qua, so với tỷ lệ 74% trên toàn cầu. Nhu cầu cần cắt giảm chi phí (46%), giảm thiểu rủi ro (46%) và tăng cường hợp tác (43%) là những yếu tố hàng đầu thúc đẩy các DN thực hiện việc thay đổi.
Tuy nhiên, cắt giảm chi phí không đồng nghĩa với việc cắt giảm đầu tư trong tương lai. 88% DN Việt Nam có ý định tăng cường đầu tư cho các hoạt động kinh doanh của mình trong năm tới (cao hơn so với 2/3 DN trên toàn cầu). Khoảng 69% DN dự định trong năm 2021 sẽ tập trung đầu tư vào các kênh bán hàng, 68% vào nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, 67% vào trải nghiệm khách hàng và 67% vào quản lý dòng tiền/vốn.
Đối với đầu tư vào công nghệ, 61% DN cho rằng sẽ thực hiện để cải thiện tốc độ tiếp cận thị trường, 59% để nhắm vào khách hàng mới và 55% để tăng cường tự động hóa / hiệu quả hoạt động.
Doanh nghiệp Việt Nam lạc quan về thương mại quốc tế
Bên cạnh đó, 91% các DN Việt Nam cũng rất lạc quan về thương mại quốc tế, so với 72% các DN trên toàn cầu, mặc dù phần lớn các DN cho rằng thương mại quốc tế đang trở nên ngày càng khó khăn hơn. Điều đáng khích lệ là các DN Việt Nam đều lạc quan hơn về triển vọng thương mại quốc tế trong tương lai và họ sẽ tiếp tục tìm cách mở rộng kinh doanh sang các thị trường khác.
Tuy nhiên, có 90% DN Việt Nam cho rằng tính bảo hộ đang gia tăng. Cạnh tranh về giá, xây dựng quan hệ đối tác địa phương và bán hàng qua các kênh kỹ thuật số là những chiến lược chính để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ.
Đối với thương mại toàn cầu, các nước thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương và châu Âu, cũng như Trung Quốc Đại lục, vẫn được đánh giá là những đối tác thương mại quan trọng nhất đối với các DN Việt Nam. Tầm quan trọng của các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đã tăng từ mức 46% vào năm 2019 lên 63% vào năm 2020.
Theo báo cáo của HSBC, tinh thần lạc quan ở Việt Nam càng được khơi dậy với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký kết vào ngày 15/11/2020. Hiệp định RCEP được dự báo là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong đó các nước châu Á (bao gồm tất cả các quốc gia trong khu vực ASEAN cùng với Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các tiêu chuẩn giúp thúc đẩy quá trình tăng trưởng tiếp theo trên toàn cầu.
"Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất và năng động nhất trong khu vực, Việt Nam hưởng nhiều lợi ích từ hiệp định thương mại tự do sâu rộng này. Thông qua việc đem lại khả năng tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn và miễn thuế cho thị trường khoảng 2,3 tỷ dân, Hiệp định RCEP có thể giúp các DN Việt Nam tăng cường xuất khẩu và thu hút hàng hóa chất lượng cao cho người tiêu dùng. Tất cả chúng ta đều hy vọng rằng sự lạc quan sẽ quay trở lại với nền kinh tế toàn cầu vào thời điểm này năm sau", ông Tim Evans nhận xét.