Ngày 29/12, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm “Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập” nhằm cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về phát triển thương hiệu hướng tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Đánh giá lại về “Made in Vietnam”
Ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse cho rằng, mỗi sản phẩm có một chuỗi giá trị cấu thành nên nó; từ nguyên vật liệu đầu vào, quá trình nghiên cứu phát triển, gia công sản xuất, quảng cáo marketing… Ai sở hữu thương hiệu là người sở hữu nhiều giá trị nhất trong chuỗi giá trị đó. Và quốc gia nào sở hữu nhiều thương hiệu nhất cho thấy giá trị thương hiệu quốc gia đó cao, và là một quốc gia thịnh vượng.
Hiện nay, nhận thức của các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DNNVV về thương hiệu Việt còn nhiều hạn chế. Những vụ việc gây nhiều tranh cãi vừa qua như Khải silk, Asanzo…khiến DN và người tiêu dùng vẫn đang bị mơ hồ giữa khai niệm thế nào là thương hiệu Việt.
Nhiều người tiêu dùng trong nước còn đang phân vân giữa Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) bị Công ty TNHH nước giải khát Thái Lan mua lại; Sunhouse có 50% sản phẩm sản xuất trong nước, còn lại là nhập khẩu từ Trung Quốc liệu có phải thương hiệu Việt không? Đây là vấn đề mơ hồ vẫn chưa được làm rõ.
Trong ngành may mặc, giá trị nguyên liệu trong giá bán chiếm 10 – 20%, ngành đồ gia dụng chiếm 30 – 35%, trong đó chi phí nhân công sản xuất chỉ chiếm 3 – 5%, 70% còn lại nằm ở chi phí lưu thông (thuế, bán hàng, giá trị thương hiệu, lợi nhuận của chủ sở hữu). Như vậy, với một sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam thì người Việt chỉ được nhận 3 – 5% giá trị “Made in Vietnam”.
Nhắc đến Iphone, thế giới đều biết đây là thương hiệu của Mỹ mặc dù “Made in China”. Hay như các thương hiệu lớn như Adidas, Nike, Samsung…phần lớn đều được sản xuất và nhập khẩu nguyên liệu tại nước ngoài nhưng đều là thương hiệu quốc gia nổi tiếng. Điều này cần người dân và giới truyền thông hiểu rõ vì rất dễ dẫn đến hiểu sai, gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp trong nước.
Thương hiệu quốc gia muốn phát triển buộc phải có những hạt nhân, đó là những thương hiệu của sản phẩm hoặc các công ty trong nước. Theo ông Phú, một doanh nghiệp được coi là thương hiệu quốc gia không phụ thuộc vào “Made in Vietnam”, mà ở giá trị nó để lại tại thị trường trong nước là bao nhiêu.
Không nên quá “khắt khe” với thương hiệu Việt
Trước xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, DN thường tìm đến địa phương sản xuất đáp ứng được tiêu chí tốt nhất và rẻ nhất cho người tiêu dùng. Ví dụ như Samsung sản xuất tại Việt Nam, đặt trụ sở chính tại Hàn Quốc, nguyên liệu từ Trung Quốc, nhưng chất lượng sản phẩm đều đạt chuẩn theo từng khu vực thị trường do các quốc gia quy định.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Xuân Phú, các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu tại quốc gia nào thì là thương hiệu của nước đó. Cần quan tâm giá trị thương hiệu để lại tại mỗi quốc gia, không nên đặt nặng vấn đề về nguồn nhập nguyên liệu hay nơi sản xuất.
Ông Hoàng Minh Chiến – Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ Công thương xây dựng Nghị định liên quan đến sản phẩm “Made in Vietnam”, trong đó bao gồm định nghĩa và các quy định về hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhằm giúp các DN và người tiêu dùng hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Trước mắt, tiêu chí để công nhận thương hiệu quốc gia Việt Nam vẫn là các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam và các DN phải được đăng ký kinh doanh tại Việt Nam.
Chương trình phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đặt mục tiêu từ năm 2020 - 2030 có 90% số lượng DN trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Hơn nữa, mỗi năm tăng 10% số lượng DN được vào danh sách DN có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới.
Tuy nhiên, thực tế vẫn đang có những hạn chế nhất định về cơ chế, chính sách, hoạt động phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, địa phương và DN trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu./.