Trên 90% tour bị hoãn, hủy
Thời điểm Tết được xem là cơ hội giúp ngành du lịch và doanh nghiệp lữ hành ít nhiều vực dậy sau giai đoạn khó khăn của mùa dịch đầu tiên. Tuy nhiên, đang bắt đầu khởi sắc được đôi phần, thì du lịch Việt Nam lại phải đối mặt với khó khăn mới khi dịch Covid-19 trở lại.
Theo khảo sát tại một số công ty du lịch, trước Tết Nguyên đán khoảng nửa tháng các du khách liên tục gọi điện đến đường dây nóng và dịch vụ chăm sóc khách hàng yêu cầu hoãn, hủy tour vì lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Ông Doãn Thành Long - Trưởng phòng Marketing của Công ty du lịch An Bình cho biết, trên 90% các tour du lịch trong và sau tết đã bị hoãn, hủy ngay khi trên cả nước xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid - 19. Đồng thời, các tour nội địa như: Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang, Sapa cũng bị hủy, dù các điểm đến này không nằm trong vùng dịch.
Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 80 – 90% tour đăng ký đi vào cuối tháng 1 đến cuối tháng 2 bị hoãn, hủy. Thậm chí tâm lý khách hàng đều mong được hoàn tiền chứ không muốn dời ngày khởi hành, gây khó khăn cho các công ty du lịch.
Chị Tạ Lan Phương (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã mua tour Phú Quốc với giá 8 triệu đồng/người cho lịch trình 3 ngày 2 đêm và đã chuyển khoản từ đầu tháng 1 cho bên công ty du lịch. Giờ tôi xin hủy tour nhưng phía bán tour trả lời là rất khó, vì điểm đến này không nằm trong vùng có dịch, giãn cách xã hội. Phương án họ đưa ra là lùi thời gian lại hoặc tôi chấp nhận mất tiền mua tour”.
Doanh nghiệp cần bình tĩnh ứng phó
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi một doanh nghiệp du lịch sẽ có những chính sách hoàn hủy tour riêng. Tuy nhiên, thông thường nếu khách hủy trước 5 - 10 ngày khởi hành sẽ chịu phạt từ 30 - 50% giá tour, từ 3 - 5 ngày là 75%. Trong trường hợp hủy chuyến du lịch trong vòng từ 0 - 3 ngày trước khởi hành sẽ chịu phí 100% giá vé tour.
Nếu việc hủy tour do phía đơn vị lữ hành thì đơn vị này phải có trách nhiệm hoàn tiền 100% cho khách. Trường hợp bị hủy bỏ do bất khả kháng thiên tai, dịch bệnh... thì hai bên sẽ cố gắng tối đa thương lượng các phương án để cùng chia sẻ, giảm thiệt hại.
Theo ông Phạm Văn Việt – Phó Giám đốc Công ty du lịch An Thái, thời điểm cuối năm được đánh giá là mùa cao điểm, các tour tuyến đều tập trung khai thác với nhiều chương trình hấp dẫn, đa dạng. Tuy nhiên, diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp lữ hành gần như không kịp trở tay, nhiều khách hàng đã yêu cầu hủy hoặc lùi lịch trình tour do lo lắng và bất an trước tình hình dịch bệnh, vì thế công ty cố gắng hỗ trợ tối đa trong việc đưa ra phương án giải quyết tốt nhất cho đôi bên.
Trong khi đó, chị Hoàng Lan – nhân viên kinh doanh Công ty du lịch Hoàng Cầu chia sẻ, công ty cũng có những khuyến cáo cho khách hàng khi lựa chọn điểm đến du lịch trong thời điểm này. Dịp Tết năm nay, nhiều du khách có xu hướng lựa chọn nghỉ dưỡng tại những khu resort không đông người, vì thế khách hàng vẫn theo dõi, cân nhắc và chưa đưa ra quyết định cuối cùng là có hoãn hay hủy tour không.
Vì để có giá tour ưu đãi, phía lữ hành thường phải đặt cọc, thanh toán tiền với đối tác từ nhiều tháng. Việc hoàn hủy tour lâu nay vẫn được thực hiện theo quy định. Các đối tác hàng không, khách sạn hầu hết đều chỉ chấp nhận cho đổi ngày, bảo lưu tiền cọc chứ không hoàn tiền. Trong trường hợp khách hủy dịch vụ, doanh nghiệp lữ hành thậm chí phải bỏ tiền túi ra đóng phạt cho các đối tác do những cam kết đã ký trong hợp đồng.
Nhìn chung, các doanh nghiệp lữ hành hiện nay không còn bị luống cuống như đợt đầu tiên của dịch bệnh. Trước khi nhận đặt tour với khách hàng, phía công ty cũng đã có trao đổi về hướng giải quyết nếu dịch bệnh bùng phát trở lại, trong đó có phương án lùi lại thời điểm tour đến khi dịch đã được kiểm soát. Điều này sẽ giúp cho các công ty lữ hành, khách sạn và du khách không mất quá nhiều chi phí mà vẫn đảm bảo được lịch trình./.