Đây là chia sẻ của TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại buổi Báo cáo trực tuyến “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” do VCCI và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức, sáng 12/3.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, với 10.197 doanh nghiệp (DN) trên toàn quốc tham gia vào khảo sát đã cung cấp những góc nhìn cụ thể về ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cách thức ứng phó của DN. Đây là năm ghi dấu sự kiên cường của cộng đồng DN để vượt lên hoàn cảnh khó khăn. DN phải suy ngẫm lại chiến lược, phải tái cấu trúc, đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cũng ứng Việt, đồng thời với việc đa dạng hoá thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng …
Có được những kết quả đó, ngoài sự chủ động tích cực của cộng đồng DN, có vai trò cổ vũ và yểm trợ của Nhà nước. Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh Covid được các DN đánh giá cao nhất là các chính sách tài khoá như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (VCCI), đại dịch Covid-19 nhìn chung có tác động rất tiêu cực đến DN tại Việt Nam. Cụ thể, 87,2% DN cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Chỉ 11% DN cho biết “không bị ảnh hưởng gì" và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”.
Trong đó, xảy ra với DN tư nhân trong các ngành may mặc (97%); thông tin truyền thông (96%); sản xuất thiết bị điện (94%). DN FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm: bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thuỷ sản (95%)…
Đánh giá về ứng phó của DN với dịch Covid-19, ông Tuấn cho hay, có tới 92% DN tư nhân và 96% DN FDI cho biết đã thực hiện một hoặc nhiều biện pháp ứng phó. Biện pháp mà nhiều doanh nghiệp thực hiện hơn cả là cấp đồ bảo hộ phòng dịch cho người lao động, với 57% DN tư nhân và 71% DN FDI. Kế đến là việc DN chủ động triển khai phương thức, mô hình làm việc mới, linh hoạt hơn (37% DN tư nhân và 40% DN FDI). Dự trữ hàng hoá và nguyên vật liệu là giải pháp được nhiều DN lựa chọn tiếp theo (20% DN tư nhân và 24% DN FDI). Một số DN đã tìm kiếm các giải pháp mới thay thế chuỗi cung ứng (16% DN tư nhân và 24% DN FDI). Có 13% DN tư nhân và 15% DNFDI đã tiến hành hoạt động đào tạo kỹ năng số cho người lao động để triển khai phương pháp làm việc trực tuyến./.
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, năm 2019 là năm đỉnh cao của ngành với việc đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa và đóng góp khoảng 9,2% tổng số sản phẩm trong nước. Thế nhưng, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến số lượt khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 7 triệu khách và số khách du lịch nội địa khoảng 50 triệu lượt. Thiệt hại của ngành du lịch là hàng tỷ đô la. Nếu như số lao động trong ngành du lịch năm 2019 là 2,9 triệu người thì kể từ khi dịch Covid-19 đến nay, khoảng gần 90% lao động đã nghỉ việc hoặc tạm thời ngừng làm việc. Dưới tác động của Covid-19, khoảng 60% DN du lịch phải ngừng hoạt động, cố gắng cầm cự chờ đến khi dịch bệnh kết thúc. Chỉ khoảng 5% số DN có công việc thường xuyên trong bối cảnh hiện nay. |