Vải nhập lậu ồ ạt tràn vào thị trường
Thời gian qua, với sự ráo riết kiểm soát, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã phát hiện và bắt giữ nhiều lô vải nhập lậu với khối lượng lớn. Cụ thể, gần đây nhất, ngày 23/3, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 - Cục QLTT TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an phường Tân Thành, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra kho chứa hàng tại địa chỉ số 727 đường Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú.
Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 14 đã thu giữ gần 4 tấn vải các loại khổ 1,5m do Trung Quốc sản xuất và gần 2.700 chai nước hoa các nhãn hiệu Versace, Gucci, Calvin Klein (CK), Lancôme do Ý, Đức, Mỹ, Pháp sản xuất.
Trước đó, ngày 18/3, Đội QLTT 1 (Cục QLTT Hưng Yên) phối hợp với Đội 1, Phòng cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên tiến hành khám xe ô tô tải biển kiểm soát 29C-565.60 đang dừng dỗ tại đường Bạch Đằng, phường Minh Khai, thành phố Hưng Yên. Qua đó, phát hiện 7 tấn vải cuộn nhập lậu do nước ngoài sản xuất, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Trong tháng 1/2021, Phòng CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Đội QLTT cơ động số 10 (Cục QLTT Thanh Hóa) kiểm tra, phát hiện một xe container đang vận chuyển khối lượng lớn hàng lậu. Trong đó, có 300 cuộn vải khoảng hơn 10 tấn, các linh phụ kiện may mặc, đồ gia dụng… với tổng giá trị hàng hóa khoảng 5 tỷ đồng. Lái xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và khai nhận lô hàng được vận chuyển từ biên giới phía Bắc vào thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Tháng 2/2021, lực lượng liên ngành chống buôn lậu trên tuyến biên giới tỉnh An Giang thuộc tổ Tịnh Biên vừa phát hiện bắt giữ 4 kiện hàng hóa nhập lậu từ bên kia biên giới Campuchia. Trong đó, có khối lượng lớn là vải quần áo nhà sư. Lợi dụng đêm khuya các con buôn từ Campuchia đã nhập lậu vải vóc vào An Giang để tiêu thụ.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Tổng cục QLTT cho hay, gần đây, tình trạng nhập lậu vải may mặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Do đó, lực lượng QLTT cả nước đã tăng cường kiểm tra đối với các loại vải, qua đó phát hiện khá nhiều vụ vi phạm. Ghi nhận thực tế cho thấy, các loại vải nhập lậu phần lớn là có xuất xứ từ Trung Quốc được đưa về trong nước tiêu thụ nhiều tại các chợ bán lẻ.
Không để vải lậu gây “lũng đoạn”
Theo đánh giá của Tổng cục QLTT, nếu không được kiểm soát hiệu quả, vải nhập lậu có khả năng làm lũng đoạn thị trường nội địa. Qua đó, gây ra nhiều hậu quả, không chỉ khiến thất thu thuế mà còn gây ảnh hưởng đến sự an toàn và sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, với tình trạng vải nhập lậu gia tăng cũng là nguy cơ đẩy các doanh nghiệp dệt may làm ăn chân chính vào hoàn cảnh khó khăn khi phải cạnh tranh với doanh nghiệp nhập vải “trôi nổi” để sản xuất.
Theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng buôn bán, vận chuyển vải nhập lậu ngày càng gia tăng với mức độ phức tạp và quy mô lớn hơn. Những loại vải lậu đa số từ Trung Quốc, Ấn Độ có mẫu mã đa dạng, thiết kế bắt mắt, giá rẻ. Trong khi đó, hiện quy trình nhập khẩu vải may mặc phải kiểm duyệt khắt khe, chặt chẽ…
Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra gắt gao tại các cửa khẩu biên giới, không để vải nhập lậu tràn ồ ạt vào thị trường nội địa. Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT cho biết cũng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều kế hoạch đấu tranh mạnh vào các đường dây buôn lậu vải có quy mô lớn, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các ổ nhóm tụ điểm tập kết…
Điều đáng nói là nguy cơ vải may mặc bị nhiễm hóa chất có thể gây ung thư là formaldehyde và amin thơm rất lớn. Hơn nữa, thậm chí, vải may mặc nhập khẩu chính ngạch cũng đã có rất nhiều lô bị phát hiện nhiễm hóa chất nồng độ cao, không an toàn, phải tái xuất hay tiêu hủy. Do đó, bản thân người tiêu dùng cũng cần phải chú ý khi lựa chọn mua sắm, tránh mua phải vải vóc không rõ nguồn gốc, không an toàn đối với sức khỏe./.